Phối hợp tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc (02-03-2022)

Tính đến ngày 22/2/2022, đã có 1.656 doanh nghiệp của Việt Nam được Hải quan Trung Quốc cấp mã số; Trong đó có 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ổn định, không gián đoạn.
Phối hợp tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc
Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp; tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh khác nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong đáp ứng các quy định tại Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc.

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), nhằm đáp ứng các quy định tại Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc, về phía Việt Nam đã tiến hành hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký, thông tin đầu mối cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ; các vướng mắc trong quá trình đăng ký doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện phân giao các bộ phận thường trực trả lời, tiếp nhận và giải đáp thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp nhận các vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền, của khối doanh nghiệp để trao đổi trực tiếp hoặc thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế phản ánh và đề xuất.

Về kết quả triển khai công tác đăng ký doanh nghiệp để đáp ứng theo quy định Lệnh 248, tính đến ngày 22/2/2022, đã có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số. Trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn; 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã. Cũng theo Văn phòng SPS Việt Nam, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. Đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% so với danh sách đăng ký của Cục Bảo vệ thực vật; 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú Y quản lý. Số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký và doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong đáp ứng các quy định tại Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung cụ thể. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký doanh nghiệp; tăng cường trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc. Tháo gỡ việc chậm cấp mã số doanh nghiệp cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Y tế triển khai ban hành và trực tiếp hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo thẩm quyền quản lý đã được phân công tại Nghị định 15/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ đối với nhóm 18 mặt hàng theo quy định tại điều 7 Lệnh 248. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248, 249.

Ngọc Thúy (theo ĐCSVN)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác