Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục, tiến sát mốc 50 tỷ USD (29-12-2021)

Ngày 29/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục, tiến sát mốc 50 tỷ USD

Đây là hội nghị toàn quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì nhằm tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có các Bí thư, Chủ tịch UBND và lãnh đạo ngành NN&PTNT của 63 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và nêu các kiến nghị, đề xuất… Hội nghị nhất trí ý kiến đánh giá ngành NN&PTNT đã thích ứng an toàn, từng bước vượt qua đại dịch. Tăng trưởng của ngành vẫn duy trì được ở mức tương đương mọi năm và còn cao hơn năm 2020, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra.

Điểm sáng trong năm 2021 chính là kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu, rộng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực vượt bậc, ngành NN&PTNT vẫn có bước tăng trưởng. Giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,85-2,90%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%.

Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 41,2 tỷ USD của năm 2020 (tăng 14,9%). Trong đó nông sản chính ước đạt 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính ước đạt 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản ước đạt trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%. Có tổng cộng 10 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD (gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su).

Ngành NN&PTNT phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản tán thành và đánh giá cao các ý kiến phát biểu trách nhiệm, tâm huyết, sát thực tế của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng đã chỉ đạo ngành NN&PTNT thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu, phát triển ngành NN&PTNT bền vững theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2021 ngành NN&PTNT đã có đóng góp quan trọng với vai trò trụ đỡ nền kinh tế, song vẫn cần quyết tâm hơn nữa, đặt mục tiêu cao hơn nữa cho năm 2022. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Với quan điểm nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực, ngành NN&PTNT có thêm nhiều tín hiệu đáng phấn khởi trong chuyển sang phát triển theo chiều sâu, bền vững. Nhận thức về vị trí vai trò của nông nghiệp được nâng lên. Đặc biệt, phần thu về của Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu nông sản cao so với nhiều mặt hàng khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Để đạt được những thành tựu này, toàn ngành đã bám sát đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; hoạt động hợp tác quốc tế linh hoạt; thích ứng với tình hình mới.

Lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả thi, hiệu quả

Năm 2022 có những cơ hội, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực và thời gian để đảm bảo khả thi, hiệu quả. Toàn ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ, nâng tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Triển khai bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp…

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; xử lý tốt vấn đề môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản trái phép; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”.

Ngoài ra, tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, tính toán, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để người nông dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác thống kê để có số liệu đầu vào chính xác phục vụ hoạch định chính sách phù hợp, hiệu quả, sát thực tế. Chủ động trong công tác thông tin, không để khủng hoảng truyền thông.

Mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông ngư dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế - đây chính là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác