Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 22,83 tỷ USD (03-06-2021)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2021 ước đạt 5,01 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%.
Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 22,83 tỷ USD
Ảnh minh họa

Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 22,6%, đạt 10,62 tỷ USD; châu Mỹ tăng 62,7%, đạt 6,16 tỷ USD; châu Âu tăng 9,6%, đạt 2,3 tỷ USD; châu Phi tăng 17,6%, đạt 391 triệu USD; châu Đại Dương tăng 33,5%, đạt 306 triệu USD. Thị phần của các khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương  trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 lần lượt là: 46,5%; 27%; 10,1%; 1,7% và 1,3%.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá tri xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 24,6% và tăng trưởng 63,6% so với cùng kỳ năm 2020; Trung Quốc-22,6% (+36,2%); Nhật Bản chiếm 6,6% (+9,6%) và Hàn Quốc chiếm 4,9% (+17,5%).

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2021 ước đạt 750 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường ngoại trừ thị trường Nhật Bản (-1,2%). Trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Ý (+80,3%).

Kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2021 ước đạt 4,37 tỷ USD,  đưa tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; Giá trị nhập khẩu chăn nuôi ước đạt 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; Giá trị nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 0,88 tỷ USD, tăng 25,8%; Giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%.

Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ (chiếm 21,5% thị phần), châu Phi (2,6%), châu Á (39,6%), châu Âu (3,7%) và châu Đại Dương (4,1%) đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, ước nhập khẩu từ các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ tăng 26,1%, đạt 4,2 tỷ USD; châu Phi tăng 66,8%, đạt 504,6 triệu USD; châu Á tăng 95,9%, đạt 7,7 tỷ USD; châu Âu tăng 4,4%, đạt 724,9 triệu USD; châu Đại Dương tăng 107,4%, đạt 793,9 triệu USD.

Campuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu đạt lần lượt là 11,8% (giá trị nhập khẩu tăng 614,6%), 10,2% (+41,3%), 9,2% (+17,6%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2021 đạt 190 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 881,2 triệu USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 14,9%), Nauy (11,4%) và Nhật Bản (8,8%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 từ các thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là: 42,1%, 24,1% và 21,7%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng Năm diễn ra trong điều kiên thời tiết thuận lợi; giá tiêu thụ trong nước của một số sản phẩm nông sản có xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung tăng; thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được mở rộng.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy có bị ảnh hưởng nhưng do điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi cả về thời tiết và sự quan tâm tích cực từ chính quyền các cấp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành, hầu hết các lĩnh vực đều phát triển tốt như diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân giảm nhưng năng suất dự ước tăng do chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chăn nuôi gia cầm phát triển, chăn nuôi lợn tiếp tục đà hồi phục; sản lượng khai thác gỗ đạt khá;  nuôi tôm thẻ chân trắng tăng cao do chuyển dịch sang nuôi thâm canh và kiểm soát dịch bệnh tốt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác