Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,61 tỷ USD (31-03-2021)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2021 ước đạt 4,12 tỷ USD,  đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,59 tỷ USD, tăng 10,2%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 89 triệu USD, tăng 34,7%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 41,6%.
Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,61 tỷ USD
Ảnh minh họa

Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 54,4%), châu Mỹ (32,2%), châu Âu (11,8%), châu Đại Dương (1,8%) và châu Phi (1,5%). Giá trị xuất khẩu tới các thị trường châu Á tăng 17,2%, đạt 5,9 tỷ USD; châu Mỹ tăng 23,4%, đạt 2,28 tỷ USD; châu Âu tăng 31,9%, đạt 462,8 triệu USD; châu Phi tăng 44,5%, đạt 10,6 tỷ USD; châu Đại Dương tăng 30,6%, đạt 187 triệu USD. Trong khi đó giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tới các thị trường Châu Phi giảm 5%, đạt 160 triệu USD và Châu Âu giảm 2,6%, đạt 1,3 tỷ USD.

Ba tháng đầu năm 2021, bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc chiếm thị phần lần lượt là 29,05% (giá trị tăng 45,8% so với năm 2020), 27,87% (+39,5%), 7,96% (+3,4%) và 5,7% (+9,5%).

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2021 ước đạt 685 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 2 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường. Trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là thị trường Nga (+44,6%).

Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3 năm 2021 đạt 3,02 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 7,74 tỷ USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 3 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ mặt hàng cá tra giảm, ước giá trị nhập khẩu của các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 47,4%), châu Mỹ (29,5%), châu Âu (6%), châu Phi (4,9%) và châu Đại Dương (5,4%) đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, ước nhập khẩu từ các thị trường châu Á tăng 52,9%, đạt 3,67 tỷ USD; châu Mỹ tăng 23,4%, đạt 2,28 tỷ USD; châu Âu tăng 31,9%, đạt 462,8 triệu USD; châu Phi tăng 182,8%, đạt 378,1 triệu USD; châu Đại Dương tăng 64,3%, đạt 414,7 triệu USD.

Trung Quốc, Braxin, Hoa Kỳ là ba thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu đạt lần lượt là 14,9% (giá trị nhập khẩu tăng 36,6%), 9,3% (+85,6%), 13,3% (+16,7%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 3/2021 đạt 205 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt gần 505 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 16,7%), Nauy (10,6%) và Trung Quốc (9,2%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 từ các thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là: 26,2%, 4,8% và 68,9%.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành trong quý II/2021, theo Bộ NN&PTNT là tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Bộ. Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, cũng như định hướng xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác