Do Covid-19, giá cá tra giảm và doanh thu xuất khẩu lao dốc (11-11-2020)

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 toàn cầu đối với thị trường thủy sản thế giới đã thúc đẩy xu hướng giảm giá bắt đầu từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tác động này đối với các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm nhẹ nhờ thị trường Hoa Kỳ và việc Việt Nam quản lý hiệu quả dịch bệnh.
Do Covid-19, giá cá tra giảm và doanh thu xuất khẩu lao dốc
Ảnh minh họa

Sản xuất

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường thế giới. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam đã được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Do đó, tổng số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước thấp so với các khu vực khác. Các báo cáo từ ngành nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tác động trực tiếp của đại dịch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và các vấn đề lao động là rất nhỏ. Tuy nhiên, tác động của COVID-19 lên thị trường thì không hề nhỏ, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang chuyển sang các phương pháp tiếp cận thận trọng hơn đối với các mục tiêu tích trữ và thu hoạch; các công ty đang phải chịu tổn thất tài chính trong cả chuỗi cung ứng. Trước mắt, để hạn chế rủi ro thì nông dân Việt Nam đã giảm cho cá ăn để giảm tốc độ tăng trưởng cho đến khi điều kiện thị trường được cải thiện.

Tổng lượng cung năm 2020 dự kiến sẽ giảm so với mức 1,4 triệu tấn ước tính được sản xuất trong năm 2019. Giá tăng đột biến trong năm 2018 đã dẫn đến việc đầu tư nhiều và mở rộng các vùng nuôi chính trong 2 năm trở lại đây, nhưng diện tích tăng thêm này vẫn chưa được sử dụng hết. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD), sản lượng trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính khoảng 462.000 tấn. Ngoài sự suy giảm thị trường (do COVID-19), sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ cá chết (liên quan đến độ mặn của nước tăng và thời tiết nắng nóng). Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu thụ giảm, thì khối lượng hiện tại là đủ để đáp ứng nhu cầu của người mua. Trên thực tế, nguồn cung hạn chế đã ngăn chặn xu hướng giảm giá (diễn ra từ năm 2018) và bảo toàn được lợi nhuận

Ngoài Việt Nam, nông dân ở các nước sản xuất khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh đều bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau bởi đại dịch COVID-19. So với Việt Nam thì thị trường xuất khẩu dường như không còn quan trọng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh, do những khó khăn về hậu cần, thiếu lao động, thị trường trong nước yếu... đều là hậu quả trực tiếp của COVID-19.

Thương mại và thị trường

Do nhu cầu đối với cá tra ở các thị trường mới nổi Đông Á và Đông Nam Á tăng, nên Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn trong định hướng thị trường xuất khẩu. Ngoài thị trường quan trọng là Mỹ, các nhà xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lựa chọn thay thế, chẳng hạn như Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đã ngăn chặn sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng như từng xảy ra trước đây. Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng, đặc biệt là trong thời kỳ bùng phát cao điểm ở Trung Quốc hồi đầu năm 2020. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 334 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2020, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD trong 3 tháng đầu tiên của năm 2020, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tác động lớn ở Liên minh châu Âu mãi đến sau đó mới thể hiện rõ (khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu được thực thi trên toàn châu Âu). Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu giảm 47,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại thị trường Mỹ, các báo cáo cho thấy nhu cầu không bị ảnh hưởng nặng nề như dự đoán và doanh số bán hàng không có sự sụt giảm đáng kể như ở Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu từ xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đã giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2019. Việc thị trường Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam là do một số yếu tố như: Phân khúc thị trường cá thịt trắng giá rẻ đang được mặt hàng cá tra của Việt Nam chiếm giữ, điều này đã làm tăng sức hấp dẫn đối với Mỹ khi các hộ gia đình của Mỹ quyết định cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã nới lỏng các yêu cầu về nhãn mác, cho phép các nhà phân phối chuyển số lượng lớn hàng hóa dành cho dịch vụ thực phẩm sang bán lẻ. Trong khi đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hạ thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam, thể hiện sự thúc đẩy thương mại trong tương lai.

Giá cả

Với nhu cầu toàn cầu suy yếu nghiêm trọng, giá giao dịch đối với cá tra phi lê đông lạnh (FOB Hồ Chí Minh) đang dao động quanh mức 2,00 USD/kg. Đây là đỉnh điểm của sự sụt giảm nghiêm trọng bắt đầu từ mức 3,40 USD/kg vào tháng 9 năm 2018. Tính đến cuối tháng 4/2020, giá thu mua được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD) báo cáo là 18.000-18.200 đồng/kg (tương đương 0,77-0,78 USD) đối với cá tra cỡ 700g, thấp hơn nhiều so với giá vốn 20.000-22.000 đồng/kg (tương đương 0,86-0,95 USD).

Dự báo

Trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành cá tra được kỳ vọng sẽ chỉ giảm nhẹ sau một giai đoạn đầy thách thức 6 tháng đầu năm 2020. Khi nguồn cung hạn chế, trong khi thị trường quan trọng là Trung Quốc phục hồi, điều này sẽ giúp nâng giá cá tra (từ mức hiện không có lãi) và khôi phục sự ổn định cho các khu vực sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ổn vì đại dịch vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường lớn khác (trong đó có Hoa Kỳ và Brazil). Về lâu dài, một số định vị lại là cần thiết, trong đó nhấn mạnh vào kênh bán lẻ, nhưng tính linh hoạt của cá tra và sự đa dạng về địa lý của các thị trường xuất khẩu chính là những lợi thế quan trọng đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác