Dự thảo Đề án “phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025” (13-04-2020)

Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”.
Dự thảo Đề án “phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”
Ảnh minh họa

Trong 10 năm (giai đoạn 2010 - 2019) nghề nuôi tôm hùm Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô số lượng lồng, thể tích lồng nuôi và sản lượng tôm hùm nuôi; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, phục vụ cho xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nuôi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh ven biển miền Trung. Trong giai đoạn 2010 - 2019, số lượng lồng nuôi tôm hùm tăng bình quân là 18,2%/năm, thể tích lồng nuôi tăng bình quân 16,2%, sản lượng tăng bình quân là 6,2%/năm. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận nhưng số lượng lồng nuôi và sản lượng lồng nuôi tôm hùm tập trung phát triển chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Năm 2019, tổng số lượng lồng nuôi ở 02 tỉnh (Phú Yên và Khánh Hòa) ước đạt 185.166 lồng, chiếm 97,8% số lượng nuôi tôm hùm Việt Nam; sản lượng đạt 2.273 tấn chiếm 95% sản lượng nuôi cả nước. Hiện nay, tại Việt Nam có 4 loài tôm hùm đang được người dân  nuôi, trong đó 2 đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (P. Hormarus) chiếm khoảng 97 - 98%; còn lại là tôm hùm đỏ (P. Longipes), tôm hùm tre (P. Polyphagus) chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 2 - 3%.

Với đường bờ biển dài, với nhiều eo, vịnh, đầm kín sóng gió; có điều kiện thời tiết nắng ấm quanh năm; nước có độ mặn cao và ổn định, trong và sạch của các tỉnh khu vực miền Trung rất thuận lợi cho phát triển nuôi tôm hùm; có thể thả nuôi quanh năm. Bên cạnh đó, Tôm hùm là mặt hàng thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, là mặt hàng ưa chuộng của thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Trong khi đó Trung Quốc là quốc gia đông dân, liền kề về địa lý với Việt Nam rất thuận lợi cho vận chuyển mặt hàng tươi sống có giá trị như tôm hùm, đây là thị trường tiềm năng rất lớn để Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh nhu cầu trong nước phục vụ cho khách du lịch trong nước ngày càng tăng.

 

Mặc dù, nghề nuôi tôm hùm trong những năm trở lại đây được các địa phương, đặc biệt, là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ tập trung phát triển. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm đang gặp không ít khó khăn và thiếu bền vững, một trong những khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm là vẫn chưa sản xuất được giống nhân tạo mà phải nhập tôm hùm giống từ nước ngoài và khai thác từ tự nhiên. Nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên thường không ổn định do phụ thuộc mùa vụ, diễn biến thời tiết và môi trường biển. Công tác quản lý kinh doanh giống tôm hùm còn nhiều bất cập, chất lượng giống không ổn định, đảm bảo, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương có liên quan hoạt động kinh doanh, lưu thông giống tôm hùm. Việc không chủ động được nguồn giống dẫn đến tình trạng phát triển thiếu tính bền vững. Hiện nay, hầu hết các vùng nuôi lồng bè tôm hùm còn mang tính tự phát, phát triển phá vỡ quy hoạch; các vùng nuôi lồng, bè chưa được quy hoạch chi tiết nên chưa thể giao, cho thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi; công tác quy hoạch chi tiết và giao mặt nước, cấp phép cho người nuôi tôm hùm còn gặp nhiều khó khăn…

Để phát huy tiềm năng và lợi thế đưa lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”.

Theo Dự thảo Đề án đã khái quát về thực trạng, tiềm năng, thực trạng lĩnh vực nuôi tôm hùm nước ta; đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với ngành trong giai đoạn tới; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đạt các mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng, tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu. Trong đó, tập trung vào 02 đối tượng chủ lực là tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (P. hormarus), đồng thời phát triển một số các đối tượng nuôi khác là tôm hùm đỏ (P. longipes) và tôm hùm tre (P.polyphagus).

Dự thảo cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Xây dựng ngành tôm hùm theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát huy cao lợi thế kinh tế biển của đất nước. Theo đó, mục tiêu  đến năm 2025 tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm đạt 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%.

 Bên cạnh đó, các mục tiêu Đề án đặt ra trong thời gian tới là tăng năng suất, sản lượng chất lượng và giá trị sản phẩm tôm hùm thông qua áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ; xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững ở giai đoạn tiếp theo. Từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm phù hợp với sức tải môi trường; vùng nuôi được kiểm soát môi trường và dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động. Qua đó, đảm bảo 100% cơ sở nuôi tôm hùm tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và từng bước được cơ quan quản lý địa phương cấp mã số nhận diện giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tôm hùm.

Để đạt được những mục tiêu đề ra trên, các giải pháp định hướng phát triển được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra như: Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi 9 tỉnh ven biển miền Trung, bao gồm: Quảng Bình, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Về hình thức nuôi, tiếp tục phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển theo hướng bền vững, được quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương; đồng thời phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn và quản lý môi trường dịch bệnh.

Về khoa học công nghệ, ưu tiên nhập công nghệ, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ về sản xuất giống, ương nuôi tôm hùm tôm hùm bông, tôm hùm xanh; nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm.

Song song với phát triển cần bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên: Nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên và kỹ thuật khai thác bền vững tôm hùm giống.

Trong thời gian tới cần tổ chức lại sản xuất nuôi tôm hùm theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, xây dựng mô hình người nuôi, người cung ứng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu tôm hùm. Tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nuôi tôm hùm nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã, tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm.

Đối với hình thức nuôi, định hướng phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trên biển theo hướng bền vững, được quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương; đồng thời phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn và quản lý môi trường dịch bệnh.

Về công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm, xây dựng, phát triển các mô hình lồng nuôi thương phẩm theo hướng áp dụng công nghệ cao, sử dụng các vật liệu mới có khả năng chịu được sóng gió và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước chuyển đổi từ mô hình nuôi lồng truyền thống trong các vịnh kín, vùng biển ven bờ sang phát triển nuôi lồng vùng biển hở, đảo xa bằng lồng sử dụng vật liệu mới bền vững có khả năng thích nghi với sóng, gió bão và thích ứng với biến đổi khí hậu như: sử dụng lưới bằng hợp kim đồng và lồng làm bằng nhựa HDPE.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tôm hùm trên bờ được quy hoạch phát triển theo hình thức nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn. Ứng dụng tiến bộ của các ngành khoa học khác như tin học, công nghệ tự động hóa, công nghệ nano, công nghệ sinh học để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm hùm thương phẩm. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thả giống cỡ lớn, nuôi tôm thành nhiều giai đoạn, thả mật độ thích hợp để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác