Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho thủy sản xuất khẩu (25-06-2018)

Vấn đề thương hiệu được đánh giá là rất quan trọng đối với ngành hàng xuất khẩu. Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT luôn xác định Phát triển nông - lâm - thủy sản phải gắn liền với Xây dựng thương hiệu. Ngày 12/6/2018, tại Hội nghị Toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khuyến nghị Xây dựng thương hiệu cho mặt hàng tôm và cá tra xuất khẩu. 
Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho thủy sản xuất khẩu
Ảnh minh họa

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công thương hiệu gạo xuất khẩu. Đối với hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, cũng sẽ xúc tiến xây dựng và phát triển thương hiệu cho hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực này. Cho dù đã đạt "mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tỷ đô", nhưng việc chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia vẫn đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng. Phát triển thương hiệu chính là con đường giúp Việt Nam đạt được xuất khẩu thủy sản bền vững.

Những khó khăn sẽ phải vượt qua

Năm 2018, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu. Các nước Mỹ, Nhật, EU đang trong xu thế tăng cường và thắt chặt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, một số yếu tố tiếp tục tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, như: Vấn đề bảo hộ thương mại ở một số thị trường lớn; Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ; Thuế chống bán phá giá (tôm và cá tra); Rào cản kỹ thuật - Thẻ vàng IUU ở thị trường EU; và Vấn đề nội tại như nguồn cung và giá nguyên liệu thủy sản cho chế biến - xuất khẩu không ổn định, vấn đề kháng sinh, tạp chất trong nguyên liệu mặc dù đã giảm song vẫn còn tồn tại, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn đang trong quá trình cải thiện…

Trong đó, những nguyên nhân nội tại có thể kể đến là việc kiểm soát chất lượng, an toàn thủy sản xuất khẩu ở Việt Nam, bản thân doanh nghiệp không đủ khả năng để kiểm soát quá trình sản xuất nguyên liệu, như: Chất lượng con giống, việc bơm tạp chất, việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi...

Nguyên liệu chế biến thủy sản

Là vấn đề được quan tâm trong chế biến - xuất khẩu. Tuy nhiên, nguyên liệu phục vụ chế biến - xuất khẩu thủy sản vẫn đang gặp khó khăn. Những biến động của thị trường thủy sản và kết quả dự báo nguồn cung nguyên liệu thiếu tính chính xác đã dẫn đến sự mất cân đối cung-cầu. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh cũng là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản.

Hiện tại, ngành cá tra đang phát triển nóng về giá nguyên liệu trong hơn 20 năm qua. Người nuôi cá hiện rất lo lắng khi giá nguyên liệu không ổn định. Giá lên cao đã thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực lân cận, tác động không nhỏ đến chế biến, xuất khẩu cá tra. Các doanh nghiệp lo ngại giá cá tra cao có thể khiến các nước nhập khẩu thay thế cá tra bằng cá khác. Có thể thấy, việc tăng giá cá tra đã tiềm ẩn sự không ổn định về nguyên liệu chế biến. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam phải cùng nhau nhận diện các mối nguy để có giải pháp cụ thể, đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, phục vụ cho chế biến - xuất khẩu.

Đối với tôm nguyên liệu, vấn nạn bơm tạp chất vào tôm cần nhanh chóng chấm dứt. Việc hình thành chợ tôm cùng với các quy định cụ thể (như: Yêu cầu tất cả nguyên liệu tôm phải giao dịch qua chợ; Nuôi trồng thủy sản sử dụng thiết bị quản lý thông minh) sẽ góp phần ngăn chặn hành động sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, khống chế nạn bơm tạp chất cho tôm nguyên liệu, tiến tới chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này.

Giải pháp cho vấn đề nguyên liệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Các doanh nghiệp thủy sản tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến; Xây dựng vùng nguyên liệu an toàn bằng cách tăng cường liên kết giữa sản xuất và nuôi trồng để cùng phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu; Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch đấu giá thủy sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ việc truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến - xuất khẩu.

Phối hợp triển khai các giải pháp hữu hiệu

Đối với các vấn đề như Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Chương trình thanh tra cá da trơn, Quy định IUU: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, rào cản thương mại cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Về phía Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng để các doanh nghiệp thủy sản xây dựng, cải thiện và nâng cấp hệ thống nhà xưởng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh hai sản phẩm chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã làm tốt công tác phản biện: Khi cá tra Việt Nam bị một kênh truyền hình Tây Ban Nha bôi nhọ bằng những thông tin sai lệch, VASEP đã xây dựng Đề án Quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam ở thị trường EU; Ký hợp đồng với một công ty truyền thông EU thực hiện chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường này. Kết quả là: website Youreverydayfish.com đã ra đời, trở thành trang điện tử đa ngôn ngữ (bao gồm tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan) chuyên giới thiệu về ngành hàng cá tra Việt Nam cũng như phản ứng nhanh với các thông tin sai lệch. Nội dung ở trang web này đã được tích hợp, kết nối với các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Instagram, Twitter) để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thủy sản, xu hướng hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện là tăng cường kiểm soát theo chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chú trọng vào các khâu trước chế biến. Vì vậy, Việt Nam muốn nâng cao chất lượng hàng nông sản - thủy sản, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thì việc xây dựng sàn giao dịch đấu giá chính là giải pháp căn cơ. Các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với nông ngư dân, các nhà khoa học, cơ quan quản lý để xây dựng vùng nuôi thủy sản an toàn, nâng cao giá trị chuỗi, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là vấn đề tiên quyết để Thủy sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững hơn.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phối hợp, tiến hành rà soát công tác xây dựng và phát triển thương hiệu đối với hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra; Quyết tâm giữ vững xuất khẩu sang các thị trường chủ lực.

Về phía các doanh nghiệp thủy sản, tận dụng lợi thế như: Cơ hội cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan; Những thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại Tự do; Tăng cường công tác quản lý sản xuất… Nhờ đó, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, khẳng định uy tín, từng bước góp phần tạo dựng Thương hiệu Thủy sản Việt Nam.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác