Xuất khẩu tôm sang EU vẫn tăng trưởng tốt (29-05-2018)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) tôm trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 17%, đạt gần 1 tỷ USD. Trong đó, XK tôm sang thị trường EU chiếm hơn 18%, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. XK sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 76,3% và 55,3% trong khi XK sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 18,9%.
Xuất khẩu tôm sang EU vẫn tăng trưởng tốt

EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Theo nhận định của VASEP, EU vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,2% tổng XK tôm Việt Nam. Theo đó, XK tôm trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 17%, đạt gần 1 tỷ USD. XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. XK sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 76,3% và 55,3% trong khi XK sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 18,9%.

XK tôm sang EU trong những tháng đầu năm nay vẫn duy trì được đà tăng trưởng của năm 2017. Thống kê cho thấy, EU là thị trường dẫn đầu của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2017 với kim ngạch 1,5 tỷ USD, trong đó tôm là mặt hàng rất tiềm năng. 

Năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU gặp hai trở ngại lớn là bị truyền thông bôi nhọ từ đầu năm làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ cá tra, và sự việc EU cảnh cáo "thẻ vàng" liên quan đến vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam nhưng tổng giá trị xuất khẩu vào EU trong năm vẫn khả quan nhờ việc tiêu thụ mặt hàng tôm tăng mạnh. 

Thuận lợi của tôm Việt Nam tại thị trường EU

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), năm 2017, nhập khẩu (NK) tôm vào EU đạt hơn 6,9 tỷ USD; tăng 3,4% so với năm 2016. Tây Ban Nha và Pháp là 2 thị trường NK tôm lớn nhất của EU. Giá trị NK tôm của Tây Ban Nha đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7%; Pháp đạt 952,9 triệu USD, tăng 3,9% so với năm 2016. EU chiếm khoảng 30,6% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới. NK tôm của EU dao động từ 6-8 tỷ USD mỗi năm. Trong 10 năm (2007-2017), NK tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,9 tỷ USD năm 2017.

Với nhu cầu tiêu thụ tăng nhờ tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với dự báo, một số sản phẩm như tôm thẻ chân trắng chế biến, tôm sú tươi/đông lạnh sẽ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng XK mạnh sang EU trong thời gian tới.

Việc XK tôm Việt Nam sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường này nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm XK tôm cho EU thì Ecuador ngày càng đẩy mạnh XK sang thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế hơn Việt Nam trong sản xuất tôm và hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng mức thuế ưu đãi phổ cập (GSP) từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có và hiện có mức giá hợp lý hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

EU chủ yếu NK tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu mã HS 03061100 sang EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 về 0% từ mức 20% hiện tại.

Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm vững các cam kết

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong quá trình EVFTA đang được phê chuẩn, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác để có kế hoạch XK phù hợp.

Theo nhận định của VASEP, EU là thị trường có quá nhiều quy định kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, môi trường và phát triển bền vững. Vì thế, nếu chỉ có cơ hội về thuế mà không đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng khó trụ được. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi EU đang áp “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam vì các hoạt động khai thác IUU. Do đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để tiếp cận thị trường nhất là khi EVFTA có hiệu lực với cơ hội về thuế.

Đồng thời, ngành thủy sản phải định hướng phát triển ở góc độ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ phương thức nuôi trồng, đánh bắt, truy xuất nguồn gốc đến công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm, hình thức đóng gói, truyền thông quảng bá… Trong đó, phải đưa chất lượng lên hàng đầu, coi đó là mấu chốt trong chiến lược phát triển xuất khẩu thủy sản.

Dự đoán, 2018 sẽ là năm đầy hứa hẹn của sản phẩm tôm tại thị trường châu Âu. Ngược lại, dù là sản phẩm chủ lực trước đây, song từ khoảng ba năm trở lại đây, sản lượng xuất khẩu cá tra đã sụt giảm khá nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xác định sẽ nỗ lực để giữ thị trường châu Âu.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác