Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu 2018 (26-04-2018)

Ngày 23/4/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu (XK). Đây là Hội nghị trực tuyến với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp XK trên cả nước. Tại Hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh, Bộ phải có định hướng XK trên cơ sở nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chiến lược phát triển.
Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu 2018
Ảnh minh họa

Kết quả 2017

Trong năm 2017, Bộ Công thương đã cấp 764.052 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với tổng trị giá 37,8 tỷ USD; tăng 22% về số lượng và 24% về trị giá so với năm 2016.

Năm 2017 được đánh giá là năm đặc biệt thành công của Việt Nam trong lĩnh vực XK. Lần đầu tiên, tổng kim ngạch XK vượt mốc 200 tỷ USD (đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016). Trong đó, đóng góp lớn là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 155,1 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Cơ cấu hàng XK chuyển dịch thành công: Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng XK, chiếm tỷ trọng 81,3% (tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011); Tỷ trọng hàng nông - thủy sản giảm còn 12,1%; Nhóm nguyên liệu, khoáng sản chỉ chiếm khoảng 2%.

Năm 2017, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng. Đã có thêm 4 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, nâng tổng số mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng (trong đó, nhóm hàng nông - thủy sản đóng góp 8 mặt hàng). Theo thống kê, hiện Việt Nam có 29 mặt hàng kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD, thậm chí có mặt hàng kim ngạch XK đạt 45 tỷ USD.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là XK Việt Nam hiện vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên chịu tác động mạnh khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Một hạn chế khác cần được khắc phục là tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính (thậm chí, có mặt hàng phụ thuộc hoàn toàn một thị trường duy nhất). Đây là rủi ro lớn nếu những thị trường này có biến động. Nhìn chung, mức độ đa dạng hóa thị trường chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Á (chiếm tới 52,7%). Bên cạnh đó, sản xuất một số mặt hàng nông - thủy sản còn manh mún, tự phát, có lúc không kiểm soát được nguồn cung. Việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Chính vì vậy, rất cần đến Nhóm giải pháp tác động vào phía cung. Đây là 1 trong 3 Nhóm giải pháp tổng thể do Bộ Công Thương đề xuất trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy XK 2018: 

(1) Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản XK, bảo đảm đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng XK và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, XK.

(2) Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường XK ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế. 

(3) Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức XK, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động XK; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất, XK.

Nâng cao giá trị hàng hóa XK

Việt Nam cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh XK, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch XK tăng 15-20%/năm. Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới XK và chuỗi giá trị toàn cầu. Có chiến lược toàn diện để thúc đẩy XK, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm XK của Việt Nam. Trước mắt, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản, đưa ra các giải pháp cụ thể.

Bên cạnh việc khai thác, phát triển thị trường mới, Việt Nam cần tập trung phát huy những mặt hàng lợi thế. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn để có thể xâm nhập thị trường thế giới. Đặc biệt, cần có chiến lược chung của cả nước để thúc đẩy XK. Hợp tác, liên kết cùng phát triển.

Cùng với việc đa dạng thị trường XK, Việt Nam cần tiếp cận kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ; bám sát và tìm hiểu thị trường. Với từng thị trường quan trọng phải có giải pháp thúc đẩy XK riêng biệt. Thay đổi căn bản công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

 Trước những khó khăn, thách thức mà nền sản xuất, XK của Việt Nam đang đối mặt (như: thương mại toàn cầu có những bất ổn; nhiều nước nâng tiêu chuẩn đối với mặt hàng nông sản, thủy sản), Việt Nam cần tận dụng cơ hội tốt từ hội nhập. Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu trong tổng thể xuất nhập khẩu của cả nước. Nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm của Việt Nam.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác