Nhập khẩu tôm chưa chế biến của Úc chậm lại dù lệnh cấm đã kết thúc (28-08-2017)

Nhập khẩu tôm chưa chế biến của Úc vẫn chậm mặc dù lệnh cấm nhập khẩu của nước này do dịch đốm trắng bùng phát đã được dỡ bỏ vào ngày 6/7/2017.
Nhập khẩu tôm chưa chế biến của Úc chậm lại dù lệnh cấm đã kết thúc

Một nguồn tin của Undercurrent News (nguồn tin A) cho biết: “Nhập khẩu tôm không trở lại bình thường. Lệnh cấm chỉ mới được dỡ bỏ gần đây và cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng các nhà cung cấp sẵn sàng đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu, đặc biệt là thử nghiệm chẩn đoán dựa trên kỹ thuật sao chép sinh hóa (PCR) trước khi xuất khẩu, mặc dù họ đã đồng ý làm như vậy”.

Một nguồn tin khác (nguồn tin B) trong ngành đánh bắt tôm tự nhiên ngoài nước Úc đã xác nhận điều này, người này cho biết trong khi nhập khẩu tôm vẫn tiếp tục, so với trước thời điểm có lệnh cấm, nhập khẩu tôm vẫn chậm.

Trong những tuần gần đây, chính phủ đã nới lỏng toàn lệnh cấm để cho phép sản phẩm tôm chưa chế biến được nhập khẩu trở lại, nhưng theo các tiêu chuẩn thử nghiệm và tuân thủ khá cao.

Nguồn tin B cho biết: “Ảnh hưởng lớn hơn là sự gia tăng hoạt động trong nước trong việc bóc vỏ tôm địa phương để đáp ứng các nhu cầu và tránh các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt”.

Úc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa chế biến vào ngày 9 tháng 1 ngay sau khi chính phủ xác nhận hội chứng đốm trắng lần đầu tiên của nước này xuất hiện tại trang trại nuôi tôm ở Queensland. Lệnh cấm được áp dụng vì tôm chưa nấu chín có thể mang bệnh và đôi khi được sử dụng làm mồi câu, làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước do các trang trại nuôi tôm sử dụng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc, kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, điều kiện nhập khẩu được tăng cường yêu cầu các công ty xuất khẩu xác nhận tôm không có vi rút gây hội chứng đốm trắng và vi rút gây bệnh đầu vàng. Tôm chưa nấu chín cũng phải được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm được Úc chấp thuận.

Một nguồn tin thứ ba, trong ngành nuôi tôm quy mô lớn (nguồn tin C), dự đoán nhập khẩu sẽ tăng do các nhà nhập khẩu ký lại hợp đồng và tìm các nhà cung cấp thích hợp.

Tuy nhiên, nguồn tin A dự đoán các  nhà xuất khẩu tôm sang Úc - một trong những thị trường lớn nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương - sẽ cần thời gian để điều chỉnh các quy tắc mới, trong khi những nước khác có thể thấy các quy tắc mới yêu cầu quá cao.

Ông nói: "Có thể mất vài tháng mới biết được liệu các nhà cung cấp có thể vượt qua được một phương pháp thử nghiệm nâng cao mới chỉ có ở Úc hay không. Hơn nữa, chỉ có thể biết được điều này nếu các nhà cung cấp sẵn sàng “chấp nhận nguy cơ lô hàng bị từ chối ngay cả khi họ đã được thông quan bởi các cơ quan có thẩm quyền trước khi xuất khẩu”.

Ông nói: “Giá tôm chưa nấu chín vẫn ở mức cao”.

Theo nguồn tin B, giá tôm nguyên liệu đánh bắt tại địa phương cũng cao do hậu quả từ các vấn đề về nhập khẩu tôm chưa chế biến.

Ông cho biết: “Đã có sự tăng giá đối với sản phẩm tôm đánh bắt và tôm của Úc và báo cáo của một số nhà hàng cho thấy thực tế là giá tôm đã quá đắt đối với khách hàng”. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh “dường như đang diễn ra” cho thấy giá cao không gây ảnh hưởng đến doanh thu.

Theo nguồn tin A, trước khi dịch bệnh bùng phát và lệnh cấm nhập khẩu tôm, các trang trại nuôi tôm Úc sản xuất khoảng 10% nhu cầu của nước này trong khi nhập khẩu cung cấp khoảng 50%. Phần nhu cầu còn lại được đáp ứng từ tôm đánh bắt tự nhiên trong nước.

Nhập khẩu tôm nấu chín tăng

Nguồn tin A cho biết các nhà nhập khẩu đang tìm nguồn tôm chế biến nhiều hơn, đây là nguồn tôm được miễn kiểm tra. “Không có gì đáng ngạc nhiên, có vẻ như các sản phẩm tôm chế biến sâu và nấu chín nhiều hơn đáng kể trên thị trường”.

Theo đó, dữ liệu hải quan của Úc do Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cung cấp chỉ ra Úc đã nhập khẩu 3.086 tấn tôm nấu chín (mã HS 0306170029) trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của nhập khẩu tôm chưa chế biến - giảm 81% so với  cùng kỳ năm ngoái xuống còn 976 tấn - nghĩa là tổng lượng tôm nhập khẩu vẫn giảm 48% so với  cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4.372 tấn trong giai đoạn này.

Hơn nữa, giá tôm trung bình tăng 15% so với  cùng kỳ năm ngoái lên 15 AUD/kg (11,75 USD/kg), phản ánh giá tôm nấu chín nhập khẩu cao hơn.

Tổng giá trị nhập khẩu tôm trong giai đoạn này là 63,6 triệu AUD (49,8 triệu USD), giảm 42% so với  cùng kỳ năm ngoái. Nhà cung cấp lớn nhất của Úc là Việt Nam, Úc nhập khẩu 4.372 tấn tôm từ thị trường này, giảm 13% so với  cùng kỳ năm ngoái.

Các trang trại bị dịch bệnh vẫn đóng cửa

Theo nguồn tin A, các trang trại nuôi tôm trên sông Logan, nơi có dịch bệnh xảy ra (khoảng 1/3 ngành nuôi tôm) sẽ vẫn đóng cửa cho đến năm sau. Theo các biện pháp an toàn sinh học được cải tiến đang được thực hiện tại các trang trại, việc thử nghiệm ở khu vực xung quanh các trang trại cũng sẽ sớm được phục hồi.

Các xét nghiệm sẽ xác định xem dịch bệnh có lan truyền “hoặc có thể được xóa bỏ” hay không.

Nguồn tin C trong ngành nuôi tôm cho biết các trang trại đã đồng ý đóng cửa thêm 12 tháng nữa.

“Còn lại 70% ngành nuôi tôm không bị ảnh hưởng bởi WSS “hội chứng đốm trắng” và có khoảng cách địa lý đáng kể giữa các trang trại và các vùng nuôi tôm”.

Tuy nhiên, nguồn tin B trong ngành đánh bắt tôm cho biết các trang trại nuôi khép kín có thể không bao giờ mở lại.

Trong khi chờ đợi, phần còn lại của ngành nuôi tôm bắt đầu với việc thả giống cho vụ nuôi mới và có thêm các biện pháp phòng ngừa với việc kiểm dịch và vận chuyển tôm.

HNN (Theo undercurrentnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác