Nghiên cứu chỉ ra có nguy cơ cao nhập khẩu thủy sản bất hợp pháp vào thị trường Nhật Bản (02-08-2017)

Theo một nghiên cứu mới, hơn một phần ba sản phẩm thủy sản đánh bắt tự nhiên nhập khẩu vào Nhật Bản - một trong những thị trường thủy sản lớn nhất thế giới - có thể từ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
Nghiên cứu chỉ ra có nguy cơ cao nhập khẩu thủy sản bất hợp pháp vào thị trường Nhật Bản
Ảnh minh họa

Một bài báo trên tạp chí Marine Policy ước tính rằng từ 24 đến 36% trong số 2,15 triệu tấn thủy sản đánh bắt tự nhiên nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản vào năm 2015 - trị giá 1,6 – 2,4 tỷ USD (1,4 – 2 tỷ EUR) - có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc không được báo cáo.

Cuộc điều tra được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học British Columbia (UBC) đã đánh giá 27 sản phẩm thủy sản của 9 quốc gia hàng đầu xuất khẩu vào Nhật Bản. Một số sản phẩm như cá chình Trung Quốc nhập khẩu đã được tìm thấy là có đến 75% đánh bắt trái phép.

Theo các phát hiện của nghiên cứu, hệ thống kiểm soát nhập khẩu hiện tại ở Nhật Bản rất ít gây trở ngại cho việc nhập khẩu hải sản bất hợp pháp. Nhật Bản vẫn chưa thực hiện các tiêu chuẩn chống IUU và truy xuất nguồn gốc tương tự như Hoa Kỳ và EU, bao gồm cả việc thiếu các quy định nhập khẩu để xác minh tính hợp pháp của sản phẩm.

Hơn nữa, trong khi một quy trình khai thác hạn chế được áp dụng đối với cá ngừ vây xanh, cua Nga và cá tuyết Patagonian như là một phần trong các cam kết của Nhật Bản đối với các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO) và các hiệp định quốc tế khác, các thoả thuận đó không áp dụng cho phần lớn hàng nhập khẩu của nước này.

Nhóm nghiên cứu UBC bao gồm các thành viên nghiên cứu đã hoàn thành một nghiên cứu tương tự về nhập khẩu bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ, làm nổi bật những nguy cơ cao về IUU tương tự với 20 đến 32% hàng nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ phát hiện có nguồn gốc IUU. Nghiên cứu này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của Hoa Kỳ và giúp thúc đẩy hành động của chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Tổ công tác của Obama về Đánh bắt IUU và Chương trình Giám sát Nhập khẩu Thủy sản của Hoa Kỳ.

Tác giả của nghiên cứu mới này là Tiến sĩ Ganapathiraju Pramod cho biết: “Các hoạt động tìm nguồn cung ứng ở các thị trường thủy sản chủ yếu như Mỹ, Nhật Bản và EU có thể có những ảnh hưởng nhẹ đối với các hoạt động quản lý thủy sản ở các nước đang phát triển. Nhu cầu về trách nhiệm của nhà nước về thị trường đối với việc kiểm soát các hành vi thương mại thủy sản IUU đã thu hút được sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách ở cả Hoa Kỳ và EU. Cần phải có những cải cách tương tự như vậy trong hệ thống thương mại thủy sản của Nhật Bản”.

Báo cáo cũng đề xuất các hành động để giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, bao gồm:

- Tăng cường chế độ kiểm tra hải quan và nhập khẩu của Nhật Bản, đảm bảo các biện pháp thích hợp được thực hiện để xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc của thủy sản ở tất cả các điểm nhập cảnh, cả bằng đường biển lẫn đường hàng không.

- Tăng cường chính sách thủy sản nội địa và khuôn khổ pháp lý của Nhật Bản đối với cả thủy sản nhập khẩu và trong nước để giảm thiểu rủi ro IUU và tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch. Đặc biệt cần thiết lập các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho ngành, đòi hỏi các yếu tố dữ liệu quan trọng được sử dụng để xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của tất cả các loại thủy sản, từ điểm thu hoạch đến điểm tiêu thụ cuối cùng của thị trường.

- Cần phải bắt đầu đối thoại với ngành thủy sản của Nhật Bản và các nhà nhập khẩu thủy sản chính để áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc thích hợp và các biện pháp tự nguyện, dựa vào thị trường khác để ngăn sản phẩm IUU xâm nhập vào các chuỗi cung ứng tương ứng.

- Tiến hành các nghiên cứu bổ sung, bao gồm phân tích DNA và phân tích tác động kinh tế, để đánh giá ảnh hưởng của các sản phẩm thủy sản bất hợp pháp và/hoặc bị ghi sai nhãn trong các chuỗi cung cấp thủy sản của Nhật Bản.

HNN (Theo seafoodsource)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác