Gỡ khó cho xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng cuối năm (11-08-2016)

Chiều ngày 9/8/2016, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan và hiệp hội các ngành hàng nông sản chủ lực để đánh giá lại tình hình xuất khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 và đề ra các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm.
Gỡ khó cho xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng cuối năm

Mặc dù, giá trị xuất khẩu nông sản 7 tháng đầu năm 2016 đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: gạo, thủy sản, cà phê… lại đang có những tồn tại riêng, ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu bền vững. Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN và PTNT), 6 tháng đầu năm 2016 kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhìn chung giá các mặt hàng nông sản ở mức thấp hơn so với năm 2015. Giá lúa gạo, cá tra Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ đầu năm nhưng lại đảo chiều giảm từ tháng 5 đến nay. Sắn và gỗ cũng ở tình trạng tương tự, trong đó riêng gỗ dăm đã giảm giá trị tới 60%.

Về lĩnh vực thủy sản, so với cùng kỳ năm trước giá cá tra nguyên liệu trung bình trong 6 tháng đầu năm nay giảm từ 1.000 – 4.000 đồng/kg. Do giá cá tra lúc tăng, lúc giảm không ổn định nên người nuôi sản xuất cầm cự, diện tích nuôi bị thu hẹp. Tại cuộc họp, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, khi giá lên, người nuôi đổ xô thả cá giống, nhưng vì tăng nuôi ồ ạt nên cung vượt xa cầu, giá giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc yêu cầu có giấy chứng nhận chất lượng của Việt Nam cấp, vì vậy nhiều thương lái không mua được nữa. Nhu cầu từ Châu Âu cũng giảm vì các nhà nhập khẩu đã mua cá từ lúc giá cao nên chưa thể bán được. Bên cạnh đó, mặt hàng tôm của Việt Nam cũng chưa thâm nhập được vào thị trường Australia vì họ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia sạch bệnh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam chưa quản lý được toàn diện chất lượng sản phẩm; xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô, tỉ lệ chế biến rất hạn chế. Bên cạnh đó, rào cản thương mại là vấn đề lớn đặt ra cho nông sản Việt Nam. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp.

Để gỡ khó trong việc xuất khẩu thủy sản, VASEP đề nghị Bộ NN và PTNT nhanh chóng thống kê chính xác về sản lượng cá tra thực tế để có cơ sở đánh giá và kiến nghị từ nay tới cuối năm có thống kê dữ liệu quốc gia về cá tra, trên cơ sở cân đối cung - cầu xuất khẩu. Đồng thời áp dụng quy chuẩn Việt Nam về chất lượng cá tra, nhanh chóng ổn định chất lượng cá tra với thị trường EU mới giúp tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, cần xử lý vấn đề khủng hoảng truyền thông. Thông tin cá chết ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đánh đồng các loại thủy sản của Việt Nam có chất lượng không tốt. Cần có chiến lược truyền thông cấp Quốc gia cho thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các hiệp hội ngành hàng, kịp thời đề xuất tới các bộ, ngành liên quan để nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, thuế… cho ngành, cho các doanh nghiệp, hiệp hội. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất, đối phó lại các ảnh hưởng từ bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn để đáp ứng đủ nguồn cung cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Từ nay đến cuối năm, gạo và tôm là hai mặt hàng có tín hiệu khả quan về thị trường xuất khẩu. Theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, các ngành hàng cần tập trung chinh phục ngay thị trường trong nước bằng sản phẩm chất lượng cao là hướng tháo gỡ cho xuất khẩu hiện nay.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác