Dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ tôm nuôi ở trong và ngoài nước đến năm 2020 và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm nước lợ của Việt Nam với các nước trong khu vực (10-04-2015)

Trong năm 2014, Sản lượng tôm nước lợ đạt trên 660 nghìn tấn, tăng 22% so với năm 2013, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm đạt gần 4 tỷ USD tăng 26,9% chiếm tỷ trọng 50,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2014.
Dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ tôm nuôi ở trong và ngoài nước đến năm 2020 và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm nước lợ của Việt Nam với các nước trong khu vực

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia dự báo dựa vào chuỗi số liệu theo thời gian của FAO giai đoạn từ năm 1994 – 2013, đến năm 2020 tổng sản lượng cung tôm nuôi toàn cầu sẽ đạt khoảng 4,49 triệu tấn, bình quân tăng 4,14%/năm bằng 1/2 so với tốc độ tăng thời trước đó (1994-2013) và tổng nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi toàn cầu vào khoảng 6,55 triệu tấn, như vậy khả năng thiếu hụt là rất lớn, khoảng 2,06 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ cần khoảng 652,7 nghìn tấn, thị trường Nhật Bản cần khoảng 490,9 nghìn tấn, thị trường EU cần khoảng 889,8 nghìn tấn, riêng Việt Nam nhu cầu tiêu thụ tôm cũng rất lớn khoảng 190,7 nghìn tấn vào năm 2020.

Về khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm nước lợ Việt Nam so với các nước trong khu vực nhìn chung trong giai đoạn từ 2010 – 2012 giá tôm của Việt Nam tốt hơn so với Thái Lan, Malaysia, Indonexia vì có hệ số cạnh tranh về giá nhỏ hơn 1, và chỉ thua duy nhất so với sản phẩm tôm xuất khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013-2014 năng lực cạnh tranh về giá tôm xuất khẩu bình quân lại có xu hướng không tốt, hệ số cạnh tranh về giá tôm xuất khẩu của Việt nam đều lớn hơn 1 so với một số nước trong khu vục, chúng ta chỉ có năng lực cạnh tranh tốt hơn duy nhất ở kích cỡ tôm 16 – 20 con/kg so với Thái Lan.

Trong bối cảnh của nền kinh tế mở định hướng thị trường, với xu thế ngày càng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản của các nước trên thế giới thì việc đầy mạnh phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam và đảm bảo phát triển bền vững là một hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 10% dân số Việt Nam và kinh tế thủy sản có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân.

Lăng Văn – Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc

Tin khác