Hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản tại Hội chợ Thủy sản toàn cầu 2015 Brussels, Vương quốc Bỉ (06-05-2015)

Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 4 năm 2015, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đã có những hoạt động nhằm tìm hiểu thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng thủy sản và làm việc với các cơ quan thẩm quyền của Liên minh châu Âu tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản toàn cầu năm 2015.
Hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản tại Hội chợ Thủy sản toàn cầu 2015 Brussels, Vương quốc Bỉ

Đây là Hội chợ thủy sản hàng năm lớn nhất thế giới thu hút khoảng 25.800 khách thăm quan, đại diện các công ty kinh doanh thủy sản và các chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ sản đến từ 150 quốc gia trên thế giới. Gần 40 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tham dự và giới thiệu sản phẩm thủy sản tại hội chợ với các mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể, đồ hộp và hàng khô.

Thị trường tiêu thụ thủy sản thế giới hiện nay đang đòi hỏi các sản phẩm thủy sản phải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn sản phẩm của các tổ chức quốc tế khác nhau với mục đích đảm bảo sự phát triển bền vững toàn cầu của ngành thủy sản. Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với các tổ chức quốc tế như Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) và Tổ chức Sáng kiến thủy sản bền vững toàn cầu (GSSI) để bàn về việc công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn VietGAP thủy sản với các các tiêu chuẩn sản phẩm thủy sản khác như GlobalGAP, BAP, ASC. Trong dịp này, Tổng cục Thủy sản và GAA đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện việc công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam với tiêu chuẩn BAP của GAA.

Trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, đoàn công tác đã phối hợp với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trả lời những vướng mắc, các câu hỏi của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, chế biến và thương mại thủy sản của Việt Nam. Đoàn cũng đã có các hoạt động tiếp xúc với khách hàng nhằm tìm hiểu các nhu cầu, yêu cầu của thị trường và của người tiêu dùng, nắm bắt các khó khăn cũng như các vấn đề còn tồn tại trong sản xuất thủy sản như việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh trong chế biến và xuất khẩu thủy sản.

brussels3.jpg

                                                                                Đoàn công tác trao đổi với DG-MARE (EU) tại Hội chợ

Tại Diễn đàn quốc tế về Phát triển xuất khẩu sản phẩm cá tra bền vững do VASEP, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ nước đang phát triển Hà Lan (CBI) và Tổng cục Thủy sản phối hợp tổ chức, Đoàn đã có bài trình bày về chủ trương, chính sách, các biện pháp và các cam kết triển khai thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP, ngày 29/4/2014, của Chính phủ về nuôi chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra với mục đích phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam theo hướng bền vững, hiệu quả và có chất lượng cao. Tham dự Diễn đàn có gần 50 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, bán buôn bán lẻ thủy sản của Châu Âu và đã thu hút được sự chú ý của truyền thông, báo giới trong và ngoài nước. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, đồng thời thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, phương hướng và phương thức triển khai các quy định của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP.

Hiện nay, các cơ quan thẩm quyền của Liên minh Châu Âu (EU) đang thúc đẩy triển khai thực hiện các quy định có liên quan đến kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU Fishing). Cao ủy Karmenu Vella phụ trách về môi trường, các vấn đề biển và thủy sản của EU đã có phiên đối thoại công khai về các biện pháp và quy định mà EU đang áp dụng nhằm chống các hoạt động khai thác IUU Fishing trên phạm vi toàn thế giới. Nhân dịp này, EU đã công bố các quyết định về danh sách một số quốc gia không hợp tác và bị EU cảnh báo “thẻ vàng” về vấn đề khai thác IUU. Thái Lan đã bị EU phạt “thẻ vàng” và yêu cầu chính phủ Thái Lan phải có các chính sách, biện pháp quản lý khai thác hải sản bất hợp pháp một cách có hiệu quả nếu không muốn đối mặt với lệnh trừng phạt thương mại của EU. Cao ủy K. Vella cũng đã công bố quyết định của EU đưa Philippin và Hàn Quốc ra khỏi danh sách cảnh báo “thẻ vàng” nhờ các nỗ lực của hai quốc gia này trong việc cải thiện hiệu quả quản lý khai thác IUU. Các quyết định này đã cho thấy Việt Nam tiếp tục được khẳng định là quốc gia hợp tác tích cực và có những nỗ lực đáng kể trong việc phòng chống các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hiệu quả và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

brussels2.jpg

                                                                       Trao đổi ký MOU với Liên minh NTTS toàn cầu (GAA)

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã tham gia phiên giới thiệu về các chính sách và biện pháp kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản (DG MARE) nhằm tiếp tục khẳng định thiện chí hợp tác và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với các nỗ lực thực thi đầy đủ và toàn diện các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp. Đoàn công tác đã có cuộc tiếp xúc với đại diện DG MARE để thông báo về tình hình thực hiện các quy định, triển khai các khuyến nghị của EU về kiểm soát khai thác thủy sản IUU tại Việt Nam, đồng thời duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Đại diện DG MARE đã đánh giá cao tinh thần hợp tác và những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ban hành các chủ trương, chính sách và thực thi các biện pháp có liên quan đến kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp.

               Thanh Bình

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác