Hội thảo xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành thủy hải sản tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu long (21-12-2013)

Ngày 20/12/2013, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành thủy hải sản tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu long. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Thanh Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, sở NN&PTNT, sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh vùng ĐBSCL, hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản và các vị khách quốc tế.
Hội thảo xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành thủy hải sản tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu long

             Trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Thủy sản vẫn giữ được sự tăng trưởng liên tục và đã có những đóng góp đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đồng thời góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong 9 tháng đầu năm 2013 sản lượng thủy sản tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác hải sản tăng trên 3,3% và sản lượng nuôi tăng hơn 2%, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 6,1 tỷ USD, tăng trên 7,2% so với cùng kỳ năm 2012 và dự báo có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 là 6,5 tỷ USD. Hàng thủy sản Việt Nam có mặt trên thị trường của 156 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm đạt gần 2,5 tỷ USD và cá tra đạt khoảng 1,5 tỷ USD trong 10 tháng năm 2013 - luôn đứng trong 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Đây có thể nói là một thành công lớn của Thủy sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thị trường nông sản thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt.

Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, với lợi thế và tiềm năng to lớn trong phát triển thủy sản đã đóng góp quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản chung của cả nước. Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản của toàn vùng liên tục tăng qua các năm. Trong đó riêng sản lượng nuôi trồng chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi của cả nước, tạo nên nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng.

Tuy nhiên cùng với những thành tựu đã đạt được, việc phát huy thế mạnh và tiềm năng của của các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua cho phát triển vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Tốc độ tăng trưởng thủy sản cao nhưng chưa bền vững. Số lượng tàu thuyền đánh cá tăng nhanh nhưng qui mô nhỏ, cơ khí tàu thuyền, hậu cần dịch vụ còn nhiều yếu kém. Nuôi trồng thủy sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả các mặt hàng thủy sản biến động bất lợi và khó lường. Các địa phương chưa phát huy được hết thế mạnh của mình do thiếu nguồn lực đầu tư và thiếu sự hỗ trợ phối kết hợp lẫn nhau trong vùng. Nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực thủy sản là rất lớn, còn nhiều tiềm năng thu hút từ các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước nhưng chưa có cơ hội để xúc tiến kêu gọi. Trên cơ sở đó, từ năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tiến hành nghiên cứu thực hiện chủ trương phát triển cụm công nghiệp thủy sản theo mô hình liên kết vùng tạo điểm nhấn để kêu gọi đầu tư cho phát triển thủy sản theo chiều sâu gắn với công nghiệp phụ trợ. Vào cuối năm 2012, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thuỷ sản khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã được tổ chức tại Cần Thơ. Tại Hội nghị này, các đại biểu đã có được tiếng nói chung cho việc xây dựng mô hình liên kết vùng lấy Cần Thơ làm trung tâm kết nối.

Tại quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó nêu rõ sự cần thiết “hình thành Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng NTTS Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ”.

Xuất phát từ các kết quả đạt được tại Hội nghị năm 2012, các yêu cầu thực tiễn và tầm quan trọng của việc hình thành Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam Bộ và Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng NTTS Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch thông qua Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cùng với nguồn lực từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thiên các báo cáo nghiên cứu về mô hình liên kết vùng theo hướng tiếp cận mới trong đó hình thành các cụm liên kết đặc thù để kết gắn toàn vùng nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng tỉnh về các lĩnh vực, sản phẩm cụ thể.

Mục tiêu của Hội thảo lần này là tạo một diễn đàn và cơ hội tốt để các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà khoa học cùng thảo luận và đóng góp ý kiến về nghiên cứu của Nhóm chuyên gia tư vấn và các Cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phát triển mô hình liên kết vùng về thủy sản. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Cũng qua diễn đàn này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ hướng hợp tác và đầu tư đối với các lĩnh vực thuộc ngành Thủy sản.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng trên cơ sở xác định rõ yêu cầu của thị trường và sự liên kết giữa các tỉnh trong phát triển sản xuất, tránh đầu tư dàn trải; Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định rõ điểm mạnh, yếu của các khâu trong chuỗi sản xuất; Sự liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội chế biến xuất khẩu cần chặt chẽ hơn, sản xuất phải căn cứ trên quy luật cung - cầu một cách hợp lý.

Đối với lĩnh vực khai thác, cần kêu gọi đầu tư cho việc nghiên cứu vật liệu đóng tàu thay thế vỏ gỗ; Công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Đầu tư cho sản xuất ngư cụ tại chỗ trong vùng; Mở rộng hệ thống cảng cá, hậu cần dịch vụ cũng như cụm công nghiệp phụ trợ cho khai thác; Cần có chính sách cho việc chuyển đổi nghề nghiệp giảm áp lực lên nguồn lợi; Tăng cường các chính sách phát triển tổ đội hợp tác sản xuất trên biển nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Đối với nuôi trồng thủy sản, các đại biểu đều thống nhất cần tăng cường nghiên cứu cũng như chủ động sản xuất thức ăn nhằm giảm giá thành trong NTTS, chủ động trong khâu sản xuất giống sạch bệnh; Kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào trong NTTS cũng như gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Thanh Nam đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu, đã xác định rõ được thế mạnh và các mối liên kết giữa các địa phương đối với Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ và Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang. Nhóm tư vấn tiếp tục nghiên cứu để làm rõ vai trò của 02 trung tâm này đối với các tỉnh trong vùng và tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng để phát huy thế mạnh về thủy sản. Để hình thành trung tâm nghề cá lớn, cần phải có đầy đủ các yếu tố về hậu cần dịch vụ, tổ chức liên kết trong sản xuất tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trên cơ sở nghiên cứu, sẽ đề xuất ra các chính sách cụ thể và tiến hành kêu gọi đầu tư cho vùng thông qua danh mục các dự án đầu tư cụ thể. Cần nghiên cứu điểm mấu chốt của chính sách cho thu hút đầu tư là gì? Các chính sách đề xuất cần sát với thực tế để thu hút đầu tư hiệu quả. Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững.

 

                                                                         Văn Ninh-FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác