Phê duyệt Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 (12-11-2020)

Ngày 05/11/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4431/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 với mục tiêu phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phê duyệt Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025
Ảnh minh họa

Cụ thể, đến năm 2025, thể tích lồng nuôi đạt khoảng 1,6 triệu m3, diện tích nuôi trong hệ thống trên bờ đạt 180 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm (bao gồm xuất khẩu tại chỗ). Đảm ứng đủ nhu cầu về số lượng (khoảng 9-10 triệu con tôm giống) đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản. Đảm bảo 100% các vùng nuôi tôm hùm tập trung và các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản tôm hùm xuất khẩu được cấp mã số và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định thị trường tiêu thụ.

Đề án đã đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực sản xuất giống: Quản lý khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tôm hùm giống tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn giống tôm hùm nhập khẩu. Từng bước chủ động nguồn tôm hùm giống thông qua: nâng cao hiệu quả ương nuôi tôm giống, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng sản xuất nhân tạo giống tôm hùm và phát triển các vùng sản xuất giống tập trung.

Đối với nuôi thương phẩm: Quản lý và kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm theo quy định đồng thời rà soát, sắp xếp mật độ lồng nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đánh giá sức tải môi trường các vùng nuôi tôm hùm tập trung; Thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sữa và việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất trong nuôi tôm hùm. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung gắn với cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở, nuôi trên bờ (nuôi trong bể sử dụng hệ thống tuần hoàn).

Đề án cũng đưa ra định hướng phát triển nuôi tôm hùm thương phẩm đến năm 2025 ở một số địa phương như:

Tại tỉnh Quảng Bình: Phát triển hình thức nuôi tôm hùm trong hệ thống tuần hoàn trên bờ tại các vùng ven biển, với diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 60 tấn/năm.

Tại thành phố Đà Nẵng: Phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại bán đảo Sơn Trà với thể tích 2.000-5.000m3; sản lượng nuôi hàng năm đạt 5-10 tấn/năm.

Tại tỉnh Quảng Nam: Phát triển hình thức nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ tại huyện Núi Thành với diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 60 tấn/năm.

Tại tỉnh Quảng Ngãi: Phát triển nuôi cả hai hình thức (nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ); tập trung phát triển tại huyện đảo Lý Sơn với thể tích lồng nuôi 20.000 m3; phát triển nuôi trong hệ thống trên bờ tại huyện Bình Sơn (xã Bình Thuận) với diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 100 tấn/năm.

Tại tỉnh Bình Định: Phát triển nuôi cả hai hình thức (nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ); tập trung phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) với thể tích 16.200 m3, phát triển nuôi trong hệ thống trên bờ tại huyện Phù Mỹ, diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 80 tấn/năm.

Tại tỉnh Phú Yên: Phát triển nuôi với hai hình thức (nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ); tổng diện tích nuôi là 1.000 ha, tập trung tại đầm Cù Mông 253 ha, vịnh Xuân Đài 747 ha với tổng số lồng là 45.000 lồng, tương ứng khoảng 405.000 m3. Bố trí diện tích ương tôm hùm giống theo mùa vụ trong số 650 ha tại các vùng biển hở huyện Tuy An. Diện tích nuôi tôm hùm trên bờ là 40-70 ha, sản lượng nuôi hàng năm đạt 1.070 tấn/năm.

Tại tỉnh Khánh Hòa: Phát triển nuôi với hai hình thức (nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ). Tập trung phát triển nuôi lồng, bè tại: lạch Cổ Cò, ven bờ Xuân Tự, Bãi Lạch, Bãi Sứ (vịnh Vân Phong) với tổng thể tích lồng nuôi tôm hùm 416.000 m3, đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, Ninh Vân) với tổng thể tích lồng nuôi là 12.800 m3; vịnh Nha Trang với tổng thể tích lồng nuôi là 185.600 m3; vùng Cam Lập, Bình Ba, Bình Hưng (vịnh Cam Ranh) với tổng thể tích lồng nuôi 721.500 m3. Phát triển nuôi trong hệ thống trên bờ tại bãi ngang huyện Vạn Ninh, diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 1.300 tấn/năm.

Tại tỉnh Ninh Thuận: Phát triển nuôi với hai hình thức (nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển và nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ); tập trung phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại: vịnh Phan Rang thuộc huyện Ninh Hải, mở rộng phát triển vùng biển xa bờ, thể tích lồng nuôi 45.000 m3; phát triển nuôi trong hệ thống trên bờ tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, diện tích 20 ha; sản lượng nuôi hàng năm đạt 200 tấn/năm.

 Tại tỉnh Bình Thuận: Phát triển nuôi tôm hùm bằng lồng tại đảo Phú Quý với thể tích lồng nuôi 2.700m3; sản lượng nuôi hàng năm đạt 120 tấn/năm.

Đối với chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Tổ chức lại hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm đảm bảo gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi tôm hùm tập trung. Áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến và công nghệ mới vào khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản tôm hùm để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản, vận chuyển sống tôm hùm, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng mặt hàng giá trị gia tăng từ tôm hùm đáp ứng nhu cầu và quy định của thị trường tiêu thụ. Xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ ổn định thị trường trong nước; duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng theo hướng chính ngạch.

Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ, Đề án cũng đưa ra các giải pháp, cụ thể:

Về tổ chức và quản lý sản xuất: Các địa phương: rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm (vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm) để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển theo quy định. Thực hiện cấp phép nuôi biển và xác nhận đăng ký nuôi lồng, bè theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam. Kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất: điều kiện cơ sở nuôi; sản xuất, cung cấp con giống; thức ăn; thuốc, hóa chất; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và vật tư phục vụ trong nuôi tôm. Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống tôm hùm tự nhiên; ban hành các quy định về kích cỡ, nghề khai thác và mùa vụ khai thác tôm hùm giống tự nhiên. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên. Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập cơ sở dữ liệu về sản xuất, xuất khẩu tôm hùm.

Về khoa học công nghệ và khuyến ngư: Hợp tác với các quốc gia như Úc, New Zealand, Nhật Bản nghiên cứu để chủ động sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, thức ăn công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm theo nhiều giai đoạn nhằm nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm rủi ro do dịch bệnh, hạn chế các tác động làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở bằng vật liệu liệu mới (lưới làm lồng bằng hợp kim đồng, khung lồng làm bằng nhựa HDPE,...). Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất thức ăn hỗn hợp theo quy mô công nghiệp, nhằm giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm giá thành, tăng sức đề kháng, nâng cao tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống trong quá trình nuôi; cải thiện màu sắc và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hùm tiên tiến cho các cơ sở nuôi tôm hùm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.

Về phòng trị bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu: Tập trung nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả trên tôm hùm nuôi, đặc biệt là những bệnh thường gặp như: bệnh sữa, đen mang, đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, trắng râu, long đầu,... Tăng cường công tác quản lý môi trường, dịch bệnh theo quy định; xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tự động tại các vùng nuôi tập trung, trọng điểm; kịp thời cảnh báo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật của người nuôi tôm hùm về các quy định phòng chống dịch bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi, phòng chống thiên tai...; đồng thời tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chính quyền địa phương xây dựng, ban hành quy chế thu gom, xử lý chất thải các vùng nuôi tôm hùm; thực hiện việc quản lý thu gom và xử lý chất thải từ nuôi tôm hùm.

Về tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tôm hùm: Xây dựng hệ thống dịch vụ vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm sống tại thị trường nội địa. Nhà nước hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm hùm tại nước ngoài. Tổ chức đàm phán, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước: Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore,... Thu hút các đơn vị tham gia xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối tôm hùm sống bao gồm các điểm thu mua, lưu giữ tại vùng nuôi tập trung; các điểm trung chuyển trước khi phân phối để tạo sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng và yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục áp dụng các giải pháp công nghệ trong chế biến, bảo quản đặc biệt là đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, công nghệ bảo quản vận chuyển sống tôm hùm nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm hùm Việt Nam.

Về vốn, đầu tư:  Thực hiện hợp tác công tư, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nuôi, chế biến xuất khẩu tôm hùm. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, thức ăn, nuôi tôm hùm lồng ở các vùng biển xa, biển hở, nuôi trong hệ thống trên bờ; quan trắc cảnh báo môi trường, bệnh dịch; điều tra, bảo vệ nguồn lợi tôm hùm; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm trọng điểm.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác