Xuất khẩu vào thị trường EU 8 tháng đầu năm tăng 1,2% (05-09-2016)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2016 đạt 678,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,06%; tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2016 đạt 4,43 tỷ USD, tăng 5,2%. Đứng sau Mỹ, EU là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam với giá trị xuất khẩu 8 tháng đạt 768,7 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu vào thị trường EU 8 tháng đầu năm tăng 1,2%

EU hiện là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam trong hơn mười năm qua. Giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2016 vào EU chiếm 17,32% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn này. EU là thị trường nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tính theo thị trường riêng lẻ, trong nhóm mười nước dẫn đầu về giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, khối EU có 3 thị trường, xếp theo thứ tự là Hà Lan xếp thứ 6 với giá trị 128,6 triệu USD, Anh xếp thứ 7 với 127,9 triệu USD và Đức xếp thứ 8 với 118,6 triệu USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu vào EU trong 8 tháng đầu năm 2016 chưa thực sự ổn định qua các tháng. Trong khi tháng 4/2016 có mức tăng khá nhất tới 12,45% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng tháng 2/2016 lại giảm tới 7,87%. Giá trị xuất khẩu thủy sản vào EU trong 8 tháng đầu năm 2015 và 2016 được thể hiện ở biểu đồ dưới đây.

Về mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai sau Mỹ với giá trị xuất khẩu tôm vào thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 372 triệu USD, có mức tăng tốt 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong thị trường khối EU, có 4 thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam, xếp theo thứ tự là Anh, Hà Lan, Đức và Bỉ. Trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm vào Anh đạt 78,5 triệu USD, tăng 8,4%; Hà Lan hơn 76 triệu USD, tăng mạnh tới 29%; Đức 73,6 triệu USD, tăng nhẹ 2,1% và Bỉ 50,8 triệu USD. Trong 10 thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm sú của Việt Nam, EU có hai thị trường là Hà Lan (thứ 8) và Đức (thứ 9). Với tôm chân trắng, EU có 4 thị trường nằm trong số 10 thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, đó là Anh xếp thứ 5, Đức xếp thứ 6, Hà Lan xếp thứ 7 và Bỉ xếp thứ 8.

EU là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,35% trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vào thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 177,3 triệu USD. Bốn thị trường dẫn đầu trong khối EU về nhập khẩu cá tra theo thứ tự là Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức. Ngoài hai thị trường có mức tăng nhẹ là Anh tăng 1,8%, đạt 32,6 triệu USD và Đức tăng 4% đạt 19,8 triệu USD, xuất khẩu cá tra vào Hà Lan và Tây Ban Nha lại giảm, lần lượt là 12,6%, đạt 32,2 triệu USD và 6,3%, đạt hơn 29 triệu USD.

          Tám tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá ngừ có mức tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2015, đạt giá trị 309,8 triệu USD. Mặc dù là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai sau Mỹ, nhưng giá trị xuất khẩu cá ngừ vào EU vẫn giảm 6,8%, đạt 64,2 triệu USD. Italia, Đức và Bỉ là ba thị trường dẫn đầu trong khối EU. Trong khi xuất khẩu chung vào EU giảm, xuất khẩu vào hai thị trường riêng lẻ là Italia và Bỉ lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là 120% và 16,3%.

          EU là thị trường lớn thứ ba về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Tám tháng đầu năm 2016, xuất khẩu mặt hàng này vào EU đạt 37,9 triệu USD, chiếm14,58% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Italia là thị trường lớn nhất đạt giá trị 22,5 triệu USD, giảm 1%. Đây là mức giảm thấp nếu so với mức giảm chung 6% của tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc.

Thị trường EU đứng đầu về nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, chiếm tới 65,7% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Giá trị xuất khẩu vào EU 8 tháng đầu năm 2016 đạt 36,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 4,2%. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai thị trường nhập khẩu chính với giá trị tương ứng là 10,9 triệu USD, tăng 26,8% và 10,7 triệu USD, tăng 9,2%.

Về mặt hàng cua, ghẹ, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt hơn 13 triệu USD, tăng 4,5%, trong đó Pháp, Anh và Hà Lan là ba thị trường chính.       

EU luôn là một thị trường quan trọng đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong hơn một thập kỷ qua, ngành thuỷ sản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu cao của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang EU đang giữ được vị thế tại thị trường này và cả ở các thị trường khác có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản và Canađa. Những kết quả trong xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua tạo ra triển vọng tốt cho xuất khẩu thủy sản trong những tháng còn lại của năm.

  Huyền Trang – L. Trì

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác