Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng giống thủy sản (10-04-2014)

”Giống là vấn đề trọng tâm trong quản lý, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã triển khai công tác kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ, đặc biệt là đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ, yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất giống, báo cáo tình hình nhập tôm bố mẹ của các doanh nghiệp”- Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng giống thủy sản

          Xin ông cho biết tình hình sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực trên cả nước (tính đến thời điểm này)?

Tính đến hết tháng 5/2013, cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 103 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Với sản lượng giống ước trên 23,5 tỷ con (trong đó tôm sú 15 tỷ và tôm thẻ chân trắng 8,5 tỷ). Tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ; Trong đó Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên chiếm khoảng 40% - khoảng 623 trại, sản lượng giống tôm nước lợ ở khu vực này chiếm khoảng 70%. Ngoài ra các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng cung cấp cho thị trường một lượng lớn tôm giống.

Về cá tra, nhu cầu giống cá tra năm 2013 dao động trong khoảng 1,8-2,0 tỷ con. Hiện nay toàn vùng ĐBSCL có gần 200 trại sinh sản cá bột, với trên 4.000 hộ ương cá giống trên diện tích hơn 2.250 ha, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang. Tuy nhiên hiện nay nuôi cá tra gặp khó khăn nên giống cá tra không tiêu thụ được, nhiều vùng ương cá tra ở Cần Thơ, Đồng Tháp treo ao hoặc chuyển nuôi cá truyền thống. Hiện tại, Viện Nghiên cứu NTTS II đã chuyển giao cho cơ sở sản xuất giống cá tra tại các tỉnh ĐBSCL số lượng cá tra hậu bị chọn giống khoảng hơn 110 nghìn con.

Về sản xuất giống nhuyễn thể, 6 tháng đầu năm 2013 tại các tỉnh phía Bắc do xuất khẩu tiểu ngạch giảm mạnh, một số nhà máy chế biến ngao xuất khẩu giảm lượng thu mua, dẫn tới tồn đọng lượng lớn ngao thịt (tại Nam Định và Thái Bình khoảng 50.000 tấn). Điều này đã kéo theo ngao giống sản xuất ra khó bán hoặc bán với giá rất thấp. Cả nước hiện có 528 trại sản xuất giống nhuyễn thể, tập trung ở Quảng Ninh (sản xuất giống tu hài, hầu), Nam Định (sản xuất giống ngao), Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Tiền Giang (nhiều trại giống tôm quy mô nhỏ chuyển sang sản xuất giống ốc hương).

Đối với sản xuất giống các đối tượng nuôi khác, hiện nay ngành thủy sản đã đáp ứng được nhu cầu không, thưa ông?

Đối với sản xuất giống cá rô phi, toàn miền Bắc hiện có 43 trại sản xuất với năng lực cung cấp khoảng 100 triệu con, đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu. Phần lớn giống được vận chuyển từ phía Nam ra (50-55%) và một phần nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Ở phía Nam, sản xuất giống cá rô phi được thực hiện quanh năm, chủ yếu ở Tiền Giang, có khả năng đáp ứng nhu cầu nuôi của cả nước.

Về sản xuất giống tôm càng xanh, hiện nay nuôi tôm càng xanh tập trung nhiều nhất tại Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu và An Giang với nhu cầu khoảng 1,2-1,5 tỷ con giống. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất giống đối tượng này còn khiêm tốn do tính chất thời vụ. Hiện nay chỉ còn khoảng 40 trại sản xuất. Trung tâm giống Thủy sản An Giang đã liên kết với Isarael sản xuất giống bằng công nghệ tôm cái giả để tạo ra tôm giống toàn đực. Đây có thể được xem là giải pháp về giống thuỷ sản khá hữu hiệu, nhưng số lượng giống sản xuất được còn chưa nhiều.

Năm 2013, nhu cầu cá giống truyền thống cần khoảng 15-17 tỷ con (năm 2012 cả nước có 1.032 trại cá giống, sản xuất được 17 tỷ cá giống các loại đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi). Về chất lượng cá giống, do các trại đã dùng đàn cá bố mẹ dòng thuần (cung cấp bởi các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm giống của tỉnh) nên chất lượng giống tốt. Tuy nhiên, ở nhiều vùng miền núi, người dân chưa có đủ cá giống, phải đưa từ vùng xuôi lên, vận chuyển xa, giống thuỷ sản cỡ nhỏ, lại luyện ép lâu ngày làm cho cá suy nhược, dễ mắc bệnh, tỷ lệ sống thấp.

Tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều và chất lượng thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Một trong những nguyên nhân tôm giống kém chất lượng là do sử dụng tôm bố mẹ không đảm bảo và không rõ nguồn gốc. Có những cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng được số lượng khá lớn nhưng tập trung rất ít tôm bố mẹ. Theo thống kê của Trung tâm Thúy y vùng 6, từ tháng 11/2012-31/3/2013, cả nước nhập khẩu 67.959 con tôm chân trắng bố mẹ. Sau khi Tổng cục Thủy sản chỉ đạo kiểm tra đàn tôm bố mẹ của các cơ sở thì số lượng xin nhập tăng lên, cho thấy đã có một lượng tôm tự gia hóa được sử dụng làm tôm bố mẹ. Động thái kiểm tra khiến các cơ sở đó xin nhập để chứng minh có nhập tôm bố mẹ. Những cơ sở không tự chọn tạo tôm bố mẹ không qua khảo nghiệm, tự ý phát tán là vi phạm quy định của quản lý. Như vậy, số lượng lớn tôm thẻ chân trắng bố mẹ các cơ sở đưa vào sản xuất là không kiểm soát được nguồn gốc.

Một số cơ sở có quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, công nghệ chưa ổn định, chưa sản xuất được giống sạch bệnh, tôm sú bố mẹ nguồn trong nước khai thác vùng gần bờ chất lượng không cao, tỷ lệ đẻ thấp, không được xét nghiệm bệnh, tôm chân trắng bố mẹ nhập khẩu ở nhiều nơi khác nhau, chất lượng không đồng đều, không rõ nguồn gốc dòng tôm. Trong nguyên nhân tôm bị hội chứng hội tử gan tụy, có nhiều ý kiến cho rằng một số dòng tôm được chọn giống theo hướng tăng khả năng sinh trưởng thì giảm khả năng thích ứng nên khi bị sốc môi trường hoặc có tác nhân gây bệnh sẽ bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Nhiều cơ sở chưa nắm chắc công nghệ sản xuất giống, phụ thuộc vào chuyên gia nên sản xuất bấp bênh, chất lượng không ổn định. Ở phía Bắc, các vùng nuôi phải nhập giống từ Nam Trung Bộ chuyển ra, để giảm chi phí hầy hết các cơ sở đưa giống cỡ nhỏ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Những vùng nuôi tôm sú sinh thái quảng canh cải tiến còn phổ biến tình trạng cơ sở cung ứng giống cỡ nhỏ không đạt tiêu chuẩn và còn sử dụng một lượng giống trôi nổi không kiểm soát chất lượng, kiểm dịch

 

 

Tổng cục Thủy sản đã có những hoạt động gì để tăng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, thưa ông?

Xác định giống là vấn đề trọng tâm trong quản lý, ngay từ đầu vụ sản xuất, tổng cục thủy sản đã triển khai công tác kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ, đặc biệt là đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ, yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất giống, báo cáo tình hình nhập tôm bố mẹ của các doanh nghiệp. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cư quan quản lý địa phương trực tiếp kiểm tra tại một số vùng sản xuất giống trọng điểm. Qua kiểm tra cùng với sự phản ánh của các doanh nghiệp giống đã phát hiện và chấn chỉnh tình trạng tự gia hóa ở một số doanh nghiệp. Tổng cục Thủy sản cũng ban hành quy trình nuôi tôm thành công được tổng kết từ thực tiễn để các địa phương phổ biến một cách nhanh nhất đến các hộ sản xuất, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Qua quá trình rà soát văn bản thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản để thống nhất quản lý giống thủy sản. Thông qua kết quả rà soát, Tổng cục tiếp tục đề xuất bãi bỏ một số văn bản không phù hợp, chồng chéo để thống nhất quản lý. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về công tác kiểm tra theo Thông tư 14 và 01 cho cán bộ chuyên ngành của các địa phương và cấp chứng chỉ để triển khai thực hiện việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ thực hiện những giải pháp gì đẩy mạnh kiểm soát chất lượng giống thủy sản, thưa ông?

Để đẩy mạnh công tác sản xuất và kiểm soát chất lượng giống phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, cần tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng theo Thông tư 14, Thông tư 26… Tăng cường công tác kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn và con giống, chỉ đạo tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai đẩy mạnh khuyến khích nuôi theo VietGAP, đào tạo VietGAP, tổng kết và hướng dẫn quy trình nuôi tốt trong vùng dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                                              Phương Linh

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác