Thủy sản Việt Nam: Hướng đến phát triển bền vững (19-11-2018)

Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản đã tạo sự chuyển dịch đúng hướng trong cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm. Hiện tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong tổng giá trị Nông-Lâm-Ngư nghiệp tăng 2,5% so với năm 2012; Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2013-2017 là 4%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ lĩnh vực thủy sản đạt 4,3%/năm.  
Thủy sản Việt Nam: Hướng đến phát triển bền vững
Ảnh minh họa

Ngành Thủy sản đã vượt mục tiêu đề ra. Tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,9 triệu tấn (năm 2012) lên 7,2 triệu tấn (năm 2017) so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9/2010 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 là 6,5-7 triệu tấn năm 2020. Như vậy, đã vượt mục tiêu trước 03 năm với tổng sản lượng vượt khoảng 0,5 triệu tấn, tương đương vượt khoảng 7,4% so với kế hoạch đến năm 2020. Đồng thời, đã đạt được một số kết quả tốt liên quan đến việc chuyển dịch cơ cấu giữa hoạt động khai thác và nuôi trồng.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, đã nâng cao tỷ trọng sản phẩm chủ lực, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Trong lĩnh vực khai thác, cơ cấu đội tàu đã có sự chuyển dịch mạnh, theo hướng giảm số lượng tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng tàu có công suất trên 90CV khai thác xa bờ. Đã có trên 12.000 tàu cá được quản lý thông qua giám sát hành trình bằng hệ thống thiết bị định vị được lắp đặt trên tàu, kết nối với trạm bờ, chiếm gần 40% tổng số tàu khai thác xa bờ. Các địa phương đã đóng mới được 925 tàu cá theo Nghị định 67. Mỗi năm, có khoảng 24 nghìn lượt tàu tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tháng 4/2018, Viện Nghiên cứu Hải sản đã hoàn thành báo cáo Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản ở các vùng biển của Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Kết quả này sẽ là cơ sở trong việc quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Cụ thể: Sẽ có phương án khai thác tại từng vùng biển, áp dụng với từng loại nghề; dự báo ngư trường hạn ngắn (10 ngày), hạn tháng, hạn mùa. Đã thành lập mạng lưới 10/16 khu bảo tồn biển, quy hoạch 6/45 khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ, hướng đến mục tiêu: Nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhờ có sự đầu tư cho hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng, tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản đang có xu hướng giảm.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có 636 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp (chiếm gần 50% số cơ sở chế biến thủy sản có đăng ký sản xuất kinh doanh); trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trình độ công nghệ chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại hơn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trên thế giới. Do đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng qua các năm. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay đã có 82 cảng cá đã được đầu tư và đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, nâng tổng số khu neo đậu tránh trú bão của cả nước lên 89 với tổng sức chứa trên 42.400 tàu khai thác.

Với những triển khai, chuyển biến tích cực và kết quả đã đạt được, ngành Thủy sản tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo Việt Nam.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác