Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 (21-07-2022)

Ngày 20 tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030
Ảnh minh họa

Trên quan điểm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản (gọi chung là nông sản) là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp.

Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.

Đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Mục tiêu phát triển chế biến, bảo quản nông sản với tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến. Hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.

Mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực Thủy sản: Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.

Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phát triển chế biến, bảo quản nông sản: Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác