Nghệ An: Phấn đấu thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh (17-10-2023)

Ngày 12 tháng 10 năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh.
Nghệ An: Phấn đấu thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh
Ảnh minh họa

Tỉnh Nghệ An coi tài nguyên, môi trường biển là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tài nguyên, môi trường biển phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển

Tỉnh Nghệ An sẽ thông qua việc khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực (trong đó có lĩnh vực nuôi trồng và khai thác hải sản).

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển được bảo vệ, duy trì và phục hồi; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Cụ thể, các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương sẽ được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, 100% chất thải nguy hại được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp và khu dân cư ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển.

Đồng thời, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng. Bảo tồn đa dạng sinh học biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển ở Nghệ An.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học được bảo tồn, môi trường biển và hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển

Tỉnh Nghệ An sẽ phân vùng sử dụng không gian biển; Từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích. Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản.

Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển nghề cá xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven biển (chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu). Đồng thời, tăng cường đầu tư các cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và hậu cần nghề cá. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống các cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu.

Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.

Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, thực thi hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Ưu tiên nguồn lực để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Quản lý hiệu quả các khu vực khai thác/cấm khai thác

Tỉnh Nghệ An luôn đề cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển. Xây dựng và phát triển khu bảo tồn biển Hòn Ngư - Đảo Mắt; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái.

Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để trên cơ sở đó đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

Mặt khác, thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển và đường di cư của các loài thủy sản. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, 100% khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quản lý hiệu quả.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản sau thu hoạch. Chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng, khai thác, bảo quản đến chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thường xuyên tìm kiếm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học trong và ngoài nước để tiến hành điều tra, đánh giá về tài nguyên, hệ sinh thái biển và ven biển. Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển khoa học, công nghệ biển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ chế biến sâu, công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển (trong đó có ngành thủy sản), bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Để triển khai hiệu quả “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ” nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt tên một số chương trình, đề án, dự án. Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai 02 nhiệm vụ sau: (i) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (ii) Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác