Xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc hẹp đường nửa cuối 2024 (05-08-2024)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa nhận định tình hình xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc có thể gặp khó trong nửa cuối năm 2024.
Xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc hẹp đường nửa cuối 2024
Ảnh minh họa

Xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam tiếp tục tăng trong quý II/2024, tăng 27%, đạt gần 257 triệu USD. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, XK cá ngừ đạt 472 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. XK sang phần lớn các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ.

Mỹ

XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ bước sang quý II/2024 vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan. Giá trị XK cá ngừ sang thị trường này trong quý II/2024 đạt 96 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này góp phần nâng tổng giá trị XK sang thị trường này lên 173 triệu USD, tăng 21%. Bước sang quý II/2024, XK cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại. Cùng với đó, XK các nhóm sản phẩm đều cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp đang có xu hướng sụt giảm. XK thịt/loin cá ngừ đông lạnh đang tăng trưởng chậm lại.

Giá trung bình XK các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong quý II/2024. Giá trung bình dao động quanh mức 9,6 USD/kg, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi, giá trung bình XK loin cá ngừ hấp đông lạnh lại có xu hướng tăng nhẹ trong quý II/2024. Giá trung bình dao động quanh mức 5,7 USD/kg, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu (NK) cá ngừ của nước này tiếp tục giảm trong 5 tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý, NK từ 10 nguồn cung chính đều giảm so với cùng kỳ, trừ Việt Nam, Mexico, Tây Ban Nha và Costa rica. Trong đó, XK từ Việt Nam tăng mạnh nhất. Bước sang năm 2024, lạm phát cơ bản của nước này đã chậm lại trong tháng 2/2024, trong khi chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ, mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, giá thực phẩm, trong đó có cá ngừ, vẫn cao nên nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa thể phục hồi mạnh.

Tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, NK của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ, giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ. Giá trung bình NK cá ngừ đóng hộp vào Mỹ trong giai đoạn này tăng nhẹ khoảng 4% so với cùng kỳ. Về khối lượng, đây là mức NK thấp nhất kể từ năm 2020. Mặc dù Mỹ đang tăng NK cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam, nhưng tổng NK của nước này trong 5 tháng đầu năm 2024 đang giảm nhẹ so với cùng kỳ, giảm 8% về giá trị. Nguyên nhân là do Mỹ giảm NK từ Thái Lan, nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này, chiếm tới 51% tổng khối lượng NK. Trong giai đoạn này, NK cá đóng hộp của Mỹ từ Thái Lan giảm. Giá trung bình các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Thái Lan XK sang Mỹ dao động quanh mức 4.422 USD/tấn. Trong khi đó, Indonesia và Ecuador đang bị mất thị phần tại phân khúc thị trường này của Mỹ. XK cá ngừ đóng hộp của 2 nước này sang Mỹ đều giảm. Đặc biệt, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Ecuador do giá tăng mạnh, mà XK của nước này đã giảm 88% so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất đồ hộp Trung Quốc vẫn tiếp tục bị mất thị trường Mỹ, do bị áp thuế cao.

Hiện tại nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi và giá cá ngừ trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt, do đó NK cá ngừ đóng hộp của nước này sẽ dần phục hồi. Mỹ có xu hướng giảm NK từ Thái Lan để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung này, và tăng NK từ các nước khác như Việt Nam. Còn tại phân khúc thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh, NK của Mỹ cũng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Hiện Indonesia, Việt Nam và Mexico là 3 nguồn cung lớn nhất nhóm sản phẩm này cho Mỹ. Trong khi NK từ Việt Nam tăng, NK từ phần lớn các nguồn cung chính đều giảm.

EU

XK cá ngừ của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong quý II/2024. Giá trị XK cá ngừ sang EU trong quý này đạt gần 60 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK sang thị trường này đạt 108 triệu USD, tăng 39%. Trong quý II/2024, XK các nhóm mặt hàng cá ngừ sang EU đều tăng nhanh hơn. Đáng chú ý, XK thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang EU đã tăng trở lại. Giá trị nhóm sản phẩm này trong nửa đầu năm 2024 tăng 8%, đạt gần 40 triệu USD. Cùng với đó, XK cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, đang tăng phi mã 171% so với cùng kỳ. Giá trung bình XK thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sang EU dao động ở mức 7,8 USD/kg và đang có xu hướng ngày càng tăng.

Trong số các thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU, Italy và Ba Lan vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao ở mức 3 con số, lần lượt là 250% và 208%. Cùng với đó, XK cá ngừ sang Hà Lan trong quý này đã phục hồi, và tốc độ tăng trưởng khá, đạt 33%. NK cá ngừ đóng hộp của EU trong quý 1/2024 giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020, đạt hơn 112 nghìn tấn. Ecuador vẫn là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho EU, với lượng XK gia tăng liên tục và ngày càng cao. Trong quý đầu năm, nước này đã gia tăng XK thêm 30%, với mức giá giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Các nhà XK Việt Nam cũng đang tận dụng được ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) để gia tăng XK cá ngừ đóng hộp sang thị trường này, XK thêm 45% khối lượng sản phẩm sang EU. Mặc dù giá các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tăng nhẹ, nhưng vẫn là mức thấp nhất tại khối thị trường này. Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 ngoài khối cho thị trường EU. Tính đến hết tháng 6/2024, Đức, Ba Lan và Hà Lan là 3 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Trong khi Đức và Ba Lan tăng NK cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam, Hà Lan lại giảm. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là từ sau khi chi phí vận chuyển tăng cao, các nước EU có xu hướng giảm NK cá ngừ qua các cảng trung chuyển của Hà Lan, tăng NK trực tiếp để giảm bớt chi phí.

Trong khi đó, EU đang giảm NK cá ngừ đóng hộp từ các nguồn cung khác, như Philippines, Seychelles hay Mauritius… Sản lượng đánh bắt tại khu vực Ấn Độ Dương thấp đang ảnh hướng tới nguồn cung. Cùng với cá ngừ đóng hộp, EU cũng đang giảm NK loin cá ngừ hấp đông lạnh. Các nhà NK EU đang có xu hướng ngày càng gia tăng NK loin cá ngừ hấp đông lạnh giá rẻ từ Trung Quốc. Các sản phẩm của Trung Quốc đang có giá rất cạnh tranh trong quý đầu năm 2024, do không phải chịu thuế NK vì tất cả nằm trong hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ). Do đó, các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, đang khó gia tăng được XK nhóm sản phẩm này sang EU. Còn tại phân khúc thị trường thị trường thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 ngoài khối sau Hàn Quốc, tính theo giá trị. Năm nay, NK nhóm sản phẩm này của EU có xu hướng gia tăng, do sản lượng đánh bắt của các đội tàu trong nội khối giảm.

Nhật Bản

Bước sang quý II/2024, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản bất ngờ tăng trong tháng 4 nhưng sau đó không duy trì được đà tăng trưởng này. Giá trị XK cá ngừ sang thị trường này trong quý 2/2024 giảm 9%, đạt gần 8 triệu USD. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK cá ngừ sang Nhật Bản đạt gần 16 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm cá ngừ chế biến khác vẫn là nhóm sản phẩm duy nhất duy trì được đà tăng trưởng sang thị trường này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS16 cũng đã chậm lại, tăng 12%. Trong quý II/2024, giá trung bình XK các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng nhẹ lên mức 5,9 USD/kg. Giá các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh HS 03048700 cũng như vậy, tăng lên mức 7,2 USD/kg.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), NK cá ngừ của Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục sụt giảm, giảm 29% so với cùng kỳ. Năm nay, NK cá ngừ của Nhật Bản từ phần lớn các nguồn cung tiếp tục giảm. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang gia tăng NK cá ngừ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng Yên Nhật mất giá 12% so với đồng USD và là đồng tiền mất giá nhiều nhất trong các ngoại tệ mạnh là một yếu tố khiến NK cá ngừ của nước này giảm. Ngoài ra, những bất lợi do Trung Quốc cấm NK thủy sản Nhật Bản cũng góp phần khiến cho NK của Nhật Bản chững lại.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng cá tại thị trường này đã tăng đáng kể cùng với lạm phát sản phẩm thực phẩm nói chung. Trong khi đó, chi tiêu bình quân đầu người cho cá và thủy sản tươi sống giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023. Theo một cuộc khảo sát do Liên minh Hợp tác xã Người tiêu dùng Nhật Bản thực hiện vào tháng 5/2023 về tác động của việc tăng giá đối với số lượng mua, khoảng 6% những người được hỏi cho biết họ chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn khi mua cá, trong khi khoảng 18% cho biết họ giảm tần suất hoặc số lượng mua cá. Tất cả những yếu tố này đã tác động tới NK cá ngừ của Nhật Bản.

Hàn Quốc

Liên tục trong 3 tháng trở lại đây, XK cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng phi mã ở mức 3 con số. Đáng chú ý, XK cá ngừ sang thị trường này trong tháng 6 lập đỉnh. Giá trị XK sang thị trường này đạt gần 6 triệu USD, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, tính lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2024, XK cá ngừ sang Hàn Quốc đạt hơn 14 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ. Hàn Quốc trở thành 1 trong 10 thị trường đơn lẻ NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Với dân số hơn 51 triệu người, hiện tại, Hàn Quốc đang là thị trường tiềm năng đối với các nhà XK cá ngừ của Việt Nam với xu hướng tăng trưởng cao từ năm ngoái.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12-2015, đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Hai nước đang tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hàn Quốc đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên. Hàn Quốc hiện NK chủ yếu nhóm cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch XK. Trong đó, Hàn Quốc NK chủ yếu thịt loin cá ngừ vằn hấp đông lạnh. Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh XK những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.

Giống như Nhật Bản, XK sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. Trong khi căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt thì những thị trường gần hơn như Hàn Quốc cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, trong khi Hàn Quốc giảm NK cá ngừ từ các nước, lại tăng NK từ Việt Nam. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, nguồn cung cá ngừ vằn nguyên liệu trong nước sụt giảm do quy định về kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Do đó, XK cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc trong nửa cuối năm 2024 khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác