Theo công văn của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Trước đó, một lô hàng cá rô phi từ Việt Nam nhập khẩu vào Brazil vào tháng 12 năm 2023 đã gây ra nhiều lo ngại cho Peixe BR và toàn bộ chuỗi sản xuất cá nuôi, theo thông tin đăng ngày 16/1/2024 trên trang web của Hiệp hội này: “Chúng tôi không có thông tin về lô hàng này, chưa rõ lô hàng đã trải qua tất cả các quy trình kiểm dịch để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hay chưa? Bên cạnh đó, chúng tôi rất lo ngại về quy trình nhân giống và chế biến cá rô phi ở Việt Nam”, ông Francisco Medeiros, chủ tịch Peixe BR nhấn mạnh.
Ngoài ra, Peixe BR cũng bày tỏ quan ngại về sản phẩm cá rô phi nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng chất phụ gia polyphosphate để tăng trọng lượng phi lê cá. Chính phủ Brazil nói rằng lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi quá trình xem xét y tế hoàn tất.
Lệnh cấm không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam vào năm 2023 đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường, giảm 42% so với năm 2022. EU mới là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho cá rô phi từ Việt Nam, với 2 triệu USD vào năm 2023, giảm 34% so với năm 2022. Trong đó, Hà Lan chiếm gần một nửa tổng số xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam vào EU. Mỹ cũng là một thị trường quan trọng, nhưng số lượng nhập khẩu đã giảm mạnh, chỉ còn gần 1 triệu USD vào năm 2023, giảm 71% so với năm 2022. Cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích tại Mỹ.
Từ năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất xuất khẩu cá rô phi cho thị trường Brazil (theo MAPA). MAPA này cho hay Brazil đã nhập khẩu 25 tấn cá rô phi từ Việt Nam, với kim ngạch trị giá 118.000 USD.
Đại diện truyền thông của VASEP nhận định: "Brazil là nước xuất khẩu mặt hàng này khá lớn cho khu vực châu Mỹ, thị trường Brazil cũng không phải là thị trường tiêu thụ lớn của cá rô phi Việt Nam và Brazil. Vì vậy động thái này có thể được xem như là một rào cản kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước và xuất khẩu của họ. Điều này dù cho kéo dài cũng không gây ra quá nhiều tác động đến doanh nghiệp Việt Nam".
Brazil nhắm tới thị phần lớn hơn ở Mỹ
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá rô phi Brazil đầu năm 2023, chiếm 78% thị phần về khối lượng và 89% về giá trị (theo FAO). Nhật Bản được xếp hạng là nước nhập khẩu cá rô phi lớn thứ ba của Brazil và có mức giá cao hơn, với giá trung bình tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu trong nước ngày càng tăng và việc mở rộng sản xuất chậm lại khiến các nhà sản xuất Brazil tập trung hơn vào doanh số bán hàng nội địa. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với đồng Real Brazil vẫn khiến xuất khẩu trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Brazil.
Mặc dù chỉ đứng ở vị trí thứ 6 về cung cấp cá rô phi cho Mỹ, nhưng năm 2022, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ của Brazil tăng 60% về khối lượng và 75% về giá trị với 5.818 tấn (trị giá 20,7 triệu USD) so với năm 2021.
Trong năm 2023 vừa qua, nhiều công ty của Brazil đã nỗ lực tìm kiếm các khách hàng mới, đồng thời có kế hoạch tăng sản lượng cá rô phi và nâng cấp mở rộng nhà máy, tăng dung lượng kho lạnh trữ hàng, mua thêm công nghệ từ Na Uy và Ecuador để tự động hóa dây chuyền sản xuất, mở rộng mô đun sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Tất cả những điều này nhằm mục tiêu gia tăng thị phần, nâng cao doanh số tại Mỹ của Brazil.
Trung Quốc hiện đang là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ. Cá rô phi Việt Nam khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều. Ngoài ra, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang một số thị trường khác cũng chứng kiến tăng trưởng âm như: Nhật Bản giảm 62%, Bỉ giảm 56%, Ý giảm 38%, Anh giảm 85%...
Hải Đăng