Xuất khẩu cá tra “ngóng” thị trường cuối năm (28-08-2023)

Những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam có phần ảm đạm. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu có tín hiệu khởi sắc, doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.
Xuất khẩu cá tra “ngóng” thị trường cuối năm
Ảnh minh họa

Không mấy sáng sủa

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến đến hết ngày 15/7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 942 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 32% tỷ trọng, kim ngạch đạt 301 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau Trung Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Nước này đã nhập khẩu gần 150 triệu USD cá tra từ Việt Nam tính đến hết 15/7/2023, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% tỷ trọng.

Tính đến hết ngày 15/7/2023, khối thị trường CPTPP và EU vẫn duy trì đứng thứ 3 và 4 về nhập khẩu cá tra Việt Nam khi giá trị xuất khẩu đạt lần lượt là 125 triệu USD, giảm 37% và 96 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Singapore và Đức vẫn là các điểm sáng khi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương 3% và 32% trong khi hầu hết các thị trường đơn lẻ đều giảm nhập khẩu cá tra.

Về giá cá tra xuất khẩu, mặc dù quý II/2023, cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện về giá so với quý I/2023 nhưng giá xuất khẩu vẫn đi theo chiều hướng ngang. Theo đó, trong tháng 6/2023, giá cá tra trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với tháng 6 và tiếp tục giảm 4% so với tháng 5.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD.

Tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần

Theo đánh giá của VASEP, xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như chiến tranh Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, tỷ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ. Thêm vào đó, nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn.

Các nước Trung Đông như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hay Ả Rập Xê Út, các nước có nền kinh tế dầu mỏ khí đốt này được xác định sẽ là thị trường tiềm năng năm 2023 khi có giao thông đường biển, đường thủy và đường hàng không rất thuận tiện. Mặc dù có tăng trưởng chậm lại do lạm phát, nhưng kinh tế khu vực này vẫn ở mức ổn định do những cơ hội thu lợi nhuận từ căng thẳng của chiến sự Nga - Ukraine. Nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước “hai đại dương, ba châu lục, năm biển” này không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác.

Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - UAE đang hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian sớm nhất. Kỳ vọng rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần và ghi dấu ấn tại thị trường này cũng như các thị trường khu vực Trung Đông.

Tập trung nâng cao chất lượng

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, hiện có 224 cơ sở chế biến cá tra đủ điều kiện xuất khẩu (tính tất cả các loại hình sản xuất sản phẩm cá tra). Trong đó, sản xuất trực tiếp từ cá tra nguyên liệu thì theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường có khoảng 100 doanh nghiệp.

Các thị trường chính xuất khẩu cá tra gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2023, có 7 lô hàng bị cảnh báo, giảm rất nhiều so với con số 64 lô 7 tháng đầu năm 2022. Có một tốc độ giảm rất nhanh, đây là tín hiệu đáng mừng. Do đó, ông Lê Bá Anh mong các doanh nghiệp duy trì mức độ này. Trong 7 lô hàng cá tra bị cảnh báo có 3 lô cảnh báo chỉ tiêu chất lượng (nhiệt độ bảo quản, nhãn…) thường là thị trường Brazil cảnh báo; 4 lô cảnh báo vi sinh (TPC, Coliform) thường là thị trường Nga và Brazil.

Do đó, đối với cơ quan địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm thủy sản, đặc biệt là quản lý nuôi trồng, sơ chế thủy sản. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi. Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các vụ việc đã xác định được hộ nuôi vi phạm sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm…

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chia sẻ, chúng ta không cần kiếm thêm nhiều thị trường mà phải tăng chất lượng cá tra lên thì sẽ tiêu thụ tốt. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ tìm được giải pháp hiệu quả nhất để người nuôi và doanh nghiệp chế biến có lãi, doanh nghiệp và người nuôi được quyền định giá con cá mình làm ra. Hiện giờ, chúng ta đang đi ngược lại, rất là nghịch lý.

Chia sẻ tại Hội nghị “An toàn Thực phẩm chuỗi sản xuất, Chế biến và Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” diễn ra vào ngày 5/8/2023 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Cá tra Việt Nam có thể nói là lợi thế “độc tôn”, nhưng nếu không biết nâng giá trị con cá tra lên thì một thời gian nữa chúng ta sẽ tự đánh mất mình; từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; tăng cường thị trường Nam Mỹ, chuẩn bị nguồn hàng vào các thị trường đã cạn nguồn dự trữ, xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy do nguồn cầu thấp.

Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng ĐBSLC đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi./.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác