Gia nhập “đội ngũ tỷ đô”
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua, đạt 651 triệu USD năm 2018; 730 triệu USD năm 2019; 648 triệu USD năm 2020; và 733 triệu USD năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 99 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, CPTPP, Israrel, Thái Lan, Arập Xê út, Nga, Philippines và Ai Cập là 9 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với 487 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam năm 2022. Trong năm 2023, VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ trong quý I/2023 có xu hướng sụt giảm do nhu cầu giảm và lượng tồn kho vẫn ở mức cao.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các khối thị trường có Hiệp đinh thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam (Hiệp định EVFTA) đạt gần 166 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối thị trường này trong năm 2022. Riêng trong tháng 12/2022, xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Tây Ban Nha tăng “phi mã” ở mức 3 con số, lần lượt là 161% và 117%.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 136 triệu USD, tăng 48% so với năm 2021.
Kỳ vọng nửa cuối năm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022 cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của nước ta tháng 1/2023 chỉ đạt hơn 50 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Đà sụt giảm diễn ra ở hầu hết các nhóm mặt hàng, trừ cá ngừ chế biến khác mã HS16 (trong đó chủ yếu loin cá ngừ hấp đông lạnh). Trong đó, xuất khẩu nhóm mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 giảm mạnh nhất 55%, còn xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi/đông lạnh và khô giảm 54% và cá ngừ đóng hộp giảm 46%.
Cũng theo VASEP, cơ cấu thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 1/2023 có nhiều biến động. Đáng chú ý là sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường mới như Hàn Quốc hay Đài Loan với mức tăng trưởng lần lượt là 457% và 105% so với cùng kỳ.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, nhưng tỷ trọng của thị trường này giảm so với năm trước. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 1/2023 chỉ đạt hơn 16 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ. Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt nhưng những lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra đang khiến cho người dân Mỹ kìm hãm chi tiêu. Điều này đang tác động tới nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nước.
Cùng với Mỹ, EU cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023, giảm 42%, đạt gần 9 triệu USD. Sự sụt giảm này đã khiến tỷ trọng của thị trường này giảm và EU tụt xuống vị trí thứ 3 trong số các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Những thị trường xuất khẩu cá ngừ trọng điểm trong khối thị trường này trong tháng 1/2023 là Đức tăng 25%, Hà Lan giảm 52% và Tây Ban Nha giảm 52%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Israel lại có sự phục hồi với tốc độ tăng trưởng ấn tượng đạt gần 80% so với cùng kỳ.
Tại khối thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong tháng 1/2023 chỉ tăng nhẹ 6%. Mặc dù, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối này là Canada giảm tới 29%, nhưng xuất khẩu sang Nhật Bản và Peru lại tăng cao lần lượt là 38% và 53%.
Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 sẽ chưa thể khởi sắc khi mà nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.
Nhận định về thị trường cá ngừ những tháng đầu năm 2023, VASEP cho rằng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được “Thẻ vàng IUU”; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản... vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rất khả quan. VASEP kỳ vọng các FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và dự báo nhu cầu của thị trường có thể sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của nước ta lạc quan tin tưởng sẽ có sự tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nay.
Việt Nam hiện có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ - mặt hàng vốn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia. Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%; Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.
Với nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến đang dần tăng lên, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đưa ngành bứt tốc và về đích thành công.
Hải Đăng