Theo đó, tỉnh Trà Vinh đã xác định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2030; xác định cụ thể các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; đề ra giải pháp nhằm phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu (trong đó ưu tiên nhóm hàng nông thủy sản) góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Trà Vinh cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp; phát triển xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng “phát triển nhanh và bền vững” trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa của tỉnh, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, chưa qua chế biến, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong phát triển xuất khẩu.
Duy trì nguồn cung bền vững cho xuất khẩu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nền sản xuất xanh - sạch - bền vững; kết hợp phát triển du lịch và ẩm thực với xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đồng thời, thực hiện liên kết, hợp tác, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Tạo ưu thế riêng trong xuất khẩu trước các đối thủ cạnh tranh thông qua việc nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng phát triển giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong lai tạo giống mới, đặc thù, trong công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tạo giá trị khác biệt cho hàng hóa nông lâm thủy sản.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, cung ứng cho thị trường xuất khẩu thông qua những hình thức, điều kiện phù hợp với thực tế tại tỉnh đối với một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như nông lâm thủy sản…
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phát triển thương hiệu, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Rà soát, lựa chọn một số sản phẩm nông thủy sản thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Mặt khác, phối hợp, liên kết, chia sẻ thông tin giữa các địa phương với nhau về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để kịp thời xác định thị trường tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản hiệu quả nhất.
Phát triển thị trường, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn
Sở Công Thương được giao chủ trì triển khai thực hiện tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, tập huấn,… để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường, các cam kết và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường đã ký FTA.
Nâng cao khả năng chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu hướng tới phát triển thị trường một cách bền vững. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài.
Đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản, phối hợp biên soạn Sổ tay sản phẩm chủ lực Trà Vinh, Sổ tay hướng dẫn đầu tư, các tài liệu liên quan đến sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản để giới thiệu đến các đoàn khảo sát thị trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tìm hiểu, hợp tác đầu tư thương mại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Cung cấp cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo; thường xuyên cập nhật dữ liệu để các doanh nghiệp chủ động và kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện đăng tải các tài liệu, cẩm nang về quy định liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, SPS, quy định thị trường liên quan đến nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển xuất khẩu
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực xuất khẩu.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan: Hỗ trợ đào tạo phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng như nông lâm thủy sản, dệt may, giày da, logistics,…
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị có liên quan: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan: Đẩy mạnh phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển các hoạt động logistics thông minh để nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững cho hoạt động xuất khẩu.
Sở Giao thông vận tải mời gọi đầu tư, thu hút đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, phát huy tiềm năng phát triển và kết nối các phương thức vận tải; thường xuyên cập nhật, thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp về hoạt động lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc, ùn ứ.
Sở Công Thương chủ trì triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Nghiên cứu bổ sung quy hoạch, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ logistics đối với hàng hóa xuất khẩu như nông lâm thủy sản, kho lạnh thông minh nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nhập khẩu đủ, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức liên quan.
Sở Tài chính chủ trì tham mưu đề xuất về các chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi theo nguyên tắc khuyến khích nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường,...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản nhập khẩu thông qua các biện pháp phù hợp với cam kết quốc tế.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại, hướng tới thương mại công bằng.
Ngọc Thúy - FICen