Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đứng vị trí số một là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam).
Trải qua đại dịch, những biến động mạnh mẽ của thị trường và giá cả nhiều vật tư đầu vào tăng phi mã nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn đạt khoảng 2,8%. Theo Báo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2022 toàn ngành là 2,8-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD).
6 tháng đầu năm, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đạt được sự tăng trưởng tốt. Dù giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được triển khai hiệu quả… đã tạo động lực góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã có sự tăng khá mạnh với mức 7,4%.
Những tháng cuối năm, việc sản xuất thủy sản sẽ không dễ dàng như đầu năm. Khó khăn trước hết là những tháng cuối năm sẽ vào mùa mưa bão, bên cạnh đó giá vật tư vẫn tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ có phương án hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành Thủy sản cũng đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản để có phương án chia sẻ khó khăn với bà con để các bên cùng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu, đồng thời, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 13,9%
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiện toàn ngành đang trong giai đoạn từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Đây không phải là khẩu hiệu mà cần phải thay đổi tư duy phát triển. Chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị không phải là câu chuyện nhất thời. Việc tăng giá trị, giảm chi phí không phải là vấn đề đối phó với tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao mà là chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào trong bất kỳ bối cảnh nào.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Các đơn vị tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông. Nhờ vậy, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.
|
Kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, dự báo tăng trưởng khá lạc quan năm 2022. Nắm bắt cơ hội này, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine.
Xuất khẩu thủy sản quý II vượt 3,2 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù tăng trưởng đang chững lại nhưng xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2022 vẫn mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương so với tháng 5/2022 và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, quý II/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đã ghi nhận doanh số trên 3,2 tỷ USD, cao hơn gần 36% so với 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Với kết quả trên, hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu nên doanh số xuất tôm trong tháng 6/2022 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7% đạt 450 triệu USD. Luỹ kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thủy sản. Lạm phát giá và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp tôm trong giai đoạn hiện nay. Tôm chân trắng tươi/đông lạnh size nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tăng tỷ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm. Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%. Đáng lưu ý là xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục với gần 130 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lạm phát nhưng xuất khẩu tôm sú nửa đầu năm vẫn tăng 20% đạt hơn 300 triệu USD.
Lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine lại là cơ hội cho cá tra trong năm 2022. Thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, nhiều nhà hàng ở các thị trường này đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn. Cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này. Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ, xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần, sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 doanh số xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43%. Tổng xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm tăng 56% đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm chủ lực vẫn là cá ngừ loin, cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%. Hơn một nửa xuất khẩu cá ngừ dành cho thị trường Mỹ có sức tiêu thụ lớn, tăng trưởng cao. Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng gần gấp đôi thì xuất khẩu sang EU chỉ tăng 9%, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với các thị trường khác, chủ yếu tăng nhờ giá trung bình xuất khẩu tăng. Thẻ vàng IUU vẫn đang khiến cho cánh cửa xuất khẩu cá ngừ cũng như các mặt hàng hải sản khai thác sang thị trường này bị thu hẹp.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 6/2022 đạt trên 68 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Tính đến hết nửa đầu năm, sản phẩm nhuyễn thể chân đầu mang về kim ngạch 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6% doanh số xuất khẩu thủy sản. Trong đó xuất khẩu mực đạt 197 triệu USD, tăng 45%, xuất khẩu bạch tuộc đạt 147 triệu USD, tăng 12%. Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và các loại cá khác 6 tháng đầu năm nay đều đạt tăng trưởng khá, dao động từ 11-54% so với cùng kỳ năm trước.
Ngọc Thúy (t/h)