Tính đến ngày 19/11/2019, diện tích thả nuôi là 7.127 ha (tăng 2.086 ha bằng 41,3% so với cùng kỳ năm 2018), diện tích thu hoạch là 5.412 ha (tăng 1.669 ha bằng 44,6% so với cùng kỳ năm 2018). Sản lượng thu hoạch đạt 1.072.677 tấn (giảm 84,323 tấn giảm 0,7% so với cùng kỳ 2018). Tính đến tháng 9/2019, tổng diện tích nuôi cá tra áp dụng VietGAP khoảng 2.000 ha, áp dụng GAP khác (GlobalGAP, ASC, BAP..), đạt 1.900 ha.
Do giá cá tra thương phẩm đã duy trì ở mức cao liên tục trong 2 năm 2017-2018 đã khuyến khích sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích nuôi thương phẩm ở một số địa phương có tiềm năng đã góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, tạo xu hướng giảm giá do dư cung.
Một số quốc gia nuôi cá tra khác như Indonesia, Trung Quốc, Bang- La- Đét đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Ngoài ra, Ả rập - Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm cá tra. Cùng với đó, việc Trung Quốc thắt chặt việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa đối với các lô hàng xuất khẩu qua đường biên mậu từ ngày 01/6/2019 khiến các nhà xuất khẩu cá tra chưa kịp ứng phó.
Kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019 bắt nguồn từ nhu cầu dự trữ hàng hóa ở thời điểm cuối năm 2018 do lo ngại giá cá sẽ tăng cao trong năm 2019 (theo xu hướng tăng của năm 2017, 2018) khiến doanh nghiệp giảm mua cá nguyên liệu ở thời điểm này. Điều này khiến giá cá tra nguyên liệu từ đầu năm 2019 đến nay có xu hướng giảm sâu. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 19.000-19.500 đồng/kg, tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu hoạch cá nhà và cá gia công. Đối với cá tra bột, giá cá tra bột dao động ở mức 0,6-1,2 đồng/con, giá cá giống dao động từ 28.000-28.500 đồng/kg (cỡ 2 cm mẫu 30 con/kg), giá từ 29.000-29.500 đồng/kg loại 1,5 cm (mẫu 70 con/kg).
Tính đến ngày 30/10/2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,64 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018). Một tín hiệu vui đến với ngành cá tra từ thị trường xuất khẩu, sau hơn 03 năm nỗ lực hoàn thiện Hệ thống, đàm phán kỹ thuật và luôn được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ các Bộ Ngành, ngày 01/11/2019, cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoa Kỳ chính thức thông báo kết quả đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP của Hoa Kỳ mở ra triển vọng mới cho xuất khẩu cá tra.
Việc Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt nam xuất khẩu sang Hoa kỳ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành cá tra bền vững trong thời gian tới, cụ thể khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng 1 trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Hoa kỳ mà còn các thị trường khác. Việt nam được bổ sung thêm doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ (hiện nay là 13 doanh nghiệp) và quan trọng hơn là tạo niền tin cho nhà nhập khẩu Hoa kỳ yên tâm nhập khẩu sẽ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019, góp phần tăng trưởng ngành hàng cá tra năm 2019.
Do vậy để duy trì việc công nhận và mở rộng xuất khẩu sang Hoa kỳ và các thị trường khác, chúng ta cần tiếp tục rà soát hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Dự báo tiêu thụ cá tra trong thời gian tới
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại Hội nghị Phát triển ngành Thủy sản bền vững, vừa được tổ chức tại Cần Thơ, cho biết, trước thực trạng khó khăn về giá cá tra, sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm nên người nuôi và doanh nghiệp đã tự điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, vì vậy khả năng các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, sản lượng có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện tại, giá cá tra thương phẩm đã tăng 500-1.000 đồng/kg so với các tháng giữa năm và theo quy luật vào cuối năm sẽ có nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Do vậy, dự báo giá cá tra thương phẩm các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể duy trì ở mức hiện tại. Doanh nghiệp chế biến chủ động được nguồn cung cá nguyên liệu ở thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020 do đó tình trạng bị thiếu hụt nguyên liệu ít có khả năng xảy ra. So với cùng kỳ năm 2018, mặc dù diện tích thả nuôi, diện tích thu hoạch tăng nhưng sản lượng thu hoạch giảm. Do đó có thể nhận định là ngay từ thời điểm cuối tháng 3 (thời điểm giá cá thương phẩm bắt đầu có xu hướng giảm), người nuôi đã điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi để giảm thiểu rủi ro.
Mặc dù đã có những điều chỉnh về sản lượng và giá cá tra thương phẩm có chiều hướng tăng nhẹ và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra để phục vụ cho các dịp Lễ Giáng sinh, Tết tại thị trường trong những tháng cuối năm nhưng theo dự báo của Vasep kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2019 dự kiến giảm 10-15% so với cùng kỳ 2018.
Văn Thọ