Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (02-06-2022)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn Tỉnh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Ảnh minh họa

Với mục tiêu triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế; Kế hoạch đặt ra những chỉ số cần phải đạt được là: diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10% /năm so với năm 2021; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản xếp loại A, B tăng lên 85 % so với 70,07% năm 2021; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 85% so với 72,81% năm 2021; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2021,..

08 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện

Thứ nhất là lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng điều kiện sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai: triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về việc tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang với Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội.

Thứ ba: tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm- thủy sản; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.

Thứ tư: tăng cường phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Việt; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời công tác quản lý vật tư nông nghiệp và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho các cơ quan truyền thông khi được yêu cầu.

Thứ năm: triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm - thủy sản; vận động, kiểm tra việc ký cam kết của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; duy trì triển khai các chương trình giám sát, cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, xử phạt nghiêm vi phạm.

Thứ sáu: đẩy mạnh cải cách hành chính, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông lệ quốc tế, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ bảy: triển khai các dự án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông - lâm - thủy sản; xây dựng và vận hành hạ tầng, nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh nông - lâm - thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Thứ tám: chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thủy sản.

UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao; chủ trì tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch và thống nhất giải pháp, biện pháp khắc phục các khó khăn vướng mắc trong thực hiện làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo; định kỳ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng trước ngày 20; 06 tháng trước ngày 15/6 và cả năm trước ngày 15/12 về Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh.

UBND các huyện, thành phố: xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch này; trọng tâm là tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi được phân cấp quản lý, theo quy định,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác