Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Chế biến cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ (30-06-2020)

Ngày 22/5/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ban hành “Chương trình kiểm soát An toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”; Trong đó có quy định Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Chế biến cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Chế biến cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Ảnh minh họa

Cơ sở chế biến phải đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-01:2009/BNNPTNT “Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản - Điều kiện chung đảm bảo ATTP”; Đồng thời, phải bố trí khu vực làm việc riêng, đủ diện tích và điều kiện cần thiết cho Kiểm tra viên của Cơ quan kiểm soát để thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động bảo đảm ATTP của Cơ sở tại bất cứ thời điểm nào có hoạt động sản xuất, chế biến cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Chương trình quản lý chất lượng

Cơ sở chế biến phải áp dụng Chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 0202:2009/BNNPTNT “Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản – Chương trình đảm bảo chất lượng và ATTP theo nguyên tắc HACCP”. Đối với Cơ sở chế biến Cá da trơn từ nguồn nguyên liệu là bán thành phẩm do Cơ sở khác cung cấp, Chương trình quản lý chất lượng quy định rõ Cơ sở cung cấp bán thành phẩm phải có tên trong danh sách được phép chế biến xuất khẩu Cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ (do Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ chấp thuận). Trong trường hợp Cơ sở sử dụng bán thành phẩm nhập khẩu để chế biến xuất khẩu sang Hoa Kỳ, quốc gia/vùng lãnh thổ và Cơ sở cung cấp bán thành phẩm cá da trơn cũng phải có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ (do Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ chấp thuận).

Chương trình quản lý chất lượng của Cơ sở phải nhận diện và kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với các lô nguyên liệu, thành phẩm. Những lô hàng có kết quả phân tích không đáp ứng yêu cầu về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) và/hoặc mức giới hạn áp dụng nhỏ nhất (MLA) không được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

 

Cơ sở phải thiết lập quy định về truy xuất nguồn gốc và triệu hồi sản phẩm không an toàn theo đúng quy định tại Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 02/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực thủy sản, đồng thời phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau: Quy định về triệu hồi phải đảm bảo khả năng thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATTP, ghi nhãn sai đã đưa ra thị trường tiêu thụ. Kế hoạch thu hồi bằng văn bản phải bao gồm các quy trình mà Cơ sở sẽ áp dụng để thu hồi các sản phẩm do Cơ sở sản xuất và vận chuyển, bao gồm cách thức Cơ sở xác định nhu cầu thu hồi sản phẩm và tất cả các quy trình mà Cơ sở sẽ áp dụng để tiến hành thu hồi.  Trường hợp xác định được sản phẩm đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ không đảm bảo ATTP hoặc ghi nhãn sai, Cơ sở phải thực hiện thông báo cho Cơ quan kiểm soát (gồm thông tin về sản phẩm, số lượng, xuất xứ, điểm đến) trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi xác định được thông tin chính xác về lô hàng không phù hợp.

Tài liệu, hồ sơ của Chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP phải được lưu giữ phù hợp tại Cơ sở. Trong đó: Hồ sơ về các hoạt động chế biến và sản phẩm ướp lạnh, cấp đông, chế biến sẵn… phải được lưu giữ trong ít nhất 01 năm sau khi hết hạn sử dụng của sản phẩm.  Hồ sơ có thể được lưu giữ ngoài Cơ sở sau 06 tháng (nhưng phải có sẵn trong vòng 01 ngày làm việc tại Cơ sở nếu Kiểm tra viên của Cơ quan kiểm soát yêu cầu xem xét). Các cơ sở được phép lưu trữ hồ sơ trên máy tính nếu Cơ sở chứng minh có đủ các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo dữ liệu và chữ ký không bị hỏng hoặc làm giả.

Bảo đảm ATTP trong quá trình chế biến

Cơ sở chế biến Cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được thẩm định, chứng nhận điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TTBNNPTNT ngày 12/11/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2017/TTBNNPTNT ngày 13/2/2017 và Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Căn cứ thẩm định, chứng nhận là các quy định tại Chương trình này và các quy định khác của Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cập nhật, hướng dẫn. Các hoạt động chế biến các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều phải được Cơ quan kiểm soát giám sát theo quy định.

Giám sát quá trình chế biến

Trước thứ Sáu hàng tuần, Cơ sở chế biến thông báo tới Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng về Kế hoạch sản xuất các lô hàng Cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tuần sau (nếu Cơ sở có Kế hoạch sản xuất). Kế hoạch sản xuất bao gồm các thông tin về tên và mã số Cơ sở, sản phẩm, dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc sản xuất lô hàng và từng ca sản xuất, ước lượng khối lượng thành phẩm.  Trong trường hợp thay đổi Kế hoạch sản xuất, Cơ sở phải thông báo cho Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng ít nhất 24 giờ trước khi tiến hành sản xuất. Hàng tuần, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng lập Kế hoạch, bố trí Kiểm tra viên giám sát các Cơ sở chế biến Cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đảm bảo các Cơ sở được giám sát ít nhất 01 lần/1 ca sản xuất.

Việc giám sát được thực hiện với các nội dung sau: Xem xét nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu từ Cơ sở nuôi; Việc đáp ứng quy định về ATTP trong quá trình vận chuyển từ Cơ sở nuôi về Cơ sở chế biến; Việc duy trì điều kiện vệ sinh, điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị đảm bảo ATTP tại cơ sở; Sự phù hợp với quy định và thực tế của các chương trình SSOP và HACCP đang áp dụng tại Cơ sở; Xem xét hồ sơ thực hiện và quan sát trực tiếp việc tuân thủ các yêu cầu đã được quy định tại kế hoạch HACCP, SSOP và GMP (bao gồm: sự phù hợp trong việc lập và thực thi Kế hoạch lấy mẫu kiểm soát các chỉ tiêu ATTP đối với nguyên liệu và thành phẩm; việc kiểm soát cá chết, cá có dấu hiệu bị bệnh; quy định và thực hiện quy định về ghi nhãn); Hoạt động xem xét trước khi xuất hàng (Pre-shipment review) và giám sát đóng hàng của Cơ sở chế biến; Thủ tục truy xuất và triệu hồi sản phẩm; Xem xét hồ sơ thực hiện và hiện trạng thực tế việc khắc phục sai lỗi đối với các điểm không phù được Cơ quan kiểm soát và Cơ sở phát hiện trước đó.

Kiểm tra viên sẽ thực hiện việc giám sát tại Cơ sở trong thời điểm bất kỳ diễn ra hoạt động sản xuất, bao gồm kiểm tra tại một số hoặc tất cả các công đoạn sản xuất (từ vận chuyển nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, cấp đông, ghi nhãn, lưu kho) và xem xét Hồ sơ liên quan đến hoạt động chế biến, nuôi trồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm; ghi thông tin vào Phiếu giám sát do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn thống nhất. Trường hợp thời điểm Kiểm tra viên đến nhưng Cơ sở đã kết thúc ca sản xuất sớm hơn kế hoạch, Kiểm tra viên xem xét kỹ các Hồ sơ liên quan và phỏng vấn đại diện Cơ sở để đảm bảo các hoạt động chế biến phù hợp với quy định.

Trong quá trình giám sát, nếu có đủ cơ sở cho thấy sai lỗi được phát hiện có thể gây ảnh hưởng đến ATTP lô hàng nếu tiếp tục sản xuất; Kiểm tra viên có thể xem xét thực hiện các nội dung sau: (1) Niêm phong hoặc gắn thẻ “Không phù hợp”, yêu cầu loại bỏ nguyên liệu/bán thành phẩm/thành phẩm không đáp ứng quy định hoặc ngừng sử dụng thiết bị, dụng cụ không bảo đảm vệ sinh có thể gây mất an toàn đến thực phẩm. (2) Trong trường hợp cần thiết, Kiểm tra viên yêu cầu Cơ sở tạm dừng sản xuất để khắc phục sai lỗi. (3) Việc gỡ bỏ niêm phong hoặc thẻ “Không phù hợp” chỉ được Kiểm tra viên thực hiện sau khi Cơ sở đã khắc phục phù hợp. (4) Trường hợp Cơ sở không khắc phục hoặc khắc phục không phù hợp, Kiểm tra viên báo cáo Lãnh đạo Trung tâm vùng để thông báo tới Cục/Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ/Nam Bộ (theo địa bàn quản lý) để thành lập Đoàn thẩm định đột xuất điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở. (5) Lập biên bản vi phạm và lưu trữ hồ sơ theo quy định.

Ghi nhãn sản phẩm

Thông tin ghi trên nhãn phải bằng tiếng Anh nổi bật, dễ thấy, dễ đọc và dễ hiểu đối với người tiêu dùng.

Thông tin bắt buộc ghi trên nhãn bao bì trực tiếp: (1) Tên sản phẩm: Cá họ Ictaluridae được mang tên thương mại “catfish”; cá tra (Pangasius hypophthalmus / Pangasianodon hypophthalmus) được mang tên thương mại: Sutchi, Swai, Tra, Striped Pangasius; cá basa (Pangasius bocourti) được mang tên Basa. Trong trường hợp sản phẩm được bổ sung nước, phụ gia, tỷ lệ dung dịch bổ sung (là tỷ lệ khối lượng dung dịch bổ sung so với khối lượng tịnh của bán thành phẩm trước khi bổ sung) phải ghi ngay dưới tên sản phẩm: contains ...% added solution of water, salt, phosphates… (2) Tên nước xuất khẩu: Thể hiện bằng cụm từ “Product of Vietnam” ngay dưới thông tin sản phẩm. (3) Thành phần: Nếu sản phẩm được bổ sung thêm nước, muối, phụ gia… thì tên thương mại của Cá da trơn và thành phần bổ sung phải nêu đầy đủ sau từ “Ingredients”; (4) Mã số cơ sở sản xuất (cơ sở sản xuất công đoạn cuối cùng); (5) Hướng dẫn bảo quản (Handling statement); (6) Khối lượng tịnh: là khối lượng sản phẩm sau khi đã loại bỏ vật liệu bao gói và lớp mạ băng, thể hiện đơn vị “LB” hoặc cả “LB” và KG”; (7) Tên và địa chỉ của Cơ sở sản xuất hoặc Cơ sở phân phối; (8) Thông tin dinh dưỡng (chỉ áp dụng đối với sản phẩm bao gói để bán lẻ tới người tiêu dùng); (9). Hướng dẫn sử dụng (Safe Handling Instructions); (10) Mã số lô hàng / Số hiệu nhận diện lô hàng.

Thông tin bắt buộc trên bao bì vận chuyển: Tên nước xuất khẩu; Mã số cơ sở sản xuất (cơ sở sản xuất công đoạn cuối cùng); Tên sản phẩm; Mã số lô hàng; Hướng dẫn bảo quản.

Trong trường hợp bao bì trực tiếp của sản phẩm đồng thời là bao bì vận chuyển thì toàn bộ thông tin của nhãn bao bì trực tiếp và thông tin của bao bì vận chuyển đều phải được thể hiện đầy đủ trên bao bì. Đặc biệt, nếu nhãn sản phẩm có công bố thông tin như “hoàn toàn tự nhiên”, “không chất bảo quản”… thì các mẫu nhãn này phải được đăng ký và phê duyệt bởi Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác