Hòa Bình: Chuỗi an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, nâng cao thương hiệu cá sông Đà (24-12-2018)

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển thủy sản. Các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy sản, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Hòa Bình: Chuỗi an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, nâng cao thương hiệu cá sông Đà
Ảnh minh họa

Thấy rõ tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ thủy điện sông Đà, ngày 13/6/2014, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU "về việc phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn “2014 - 2020”. Cụ thể hóa Nghị quyết số 12/NQ-TU, năm 2015 và 2017, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Theo đó, các hộ, nhóm hộ, HTX, trang trại nuôi thủy sản bằng lồng bè có quy mô 50 m3 trở lên thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được hỗ trợ 1 lần không quá 25 triệu đồng/ lồng, 40 triệu đồng/2 lồng; từ lồng thứ 3 mỗi lần tăng thêm 10 triệu đồng, nhưng không quá 80 triệu đồng/hộ.

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình đã triển khai thành công chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà. Trong 2 năm 2017- 2018, tiếp tục thực hiện dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện vùng hồ Hòa Bình.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nuôi cá theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như Công ty Cá sạch sông Đà, Công ty Minh Phú, Công ty Hải Đăng... Đối tượng nuôi tập trung vào các loại cá sông Đà đã có thương hiệu như: Cá chiên, lăng, tầm, trắm đen, bỗng... cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, có chỗ đứng trên thị trường. Trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp thực sự là hạt nhân thúc đẩy hộ sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp tham gia liên kết cùng nâng cao hiệu quả, giá trị tăng thêm của nghề nuồi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TU, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 32 tỷ đồng để các hộ, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX trên vùng hồ nuôi 2.702 lồng cá. Lồng lưới khu thép dần thay thế lồng bương, tre. Các loài cá có giá trị cao như: chiên, lăng, bỗng, trắm đen, tầm, rô phi, lóc, vược... được phát triển mạnh. Theo đó, trên vùng hồ hiện có 4.300 lồng nuôi cá, tương đương với 260.000 m3, tăng 2.000 lồng so với năm 2015 và vượt 800 lồng so với mục tiêu Nghị quyết số 12/NQ-TU đề ra. 

Đến tháng 10/2018, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 8.300 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.700 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2015.  Nghề nuôi trồng thủy sản đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động, vượt 2.200 lao động so với mục tiêu Nghị quyết. Cũng đến cuối tháng 10/2018, trên vùng hồ có 41 cơ sở nuôi trên 20 lồng, 2 cơ sở nuôi trên 100 lồng, gồm Công ty TNHH Hải Đăng (xã Thái Thịnh - TP Hòa Bình) có 200 lồng với thể tích 28.800 m3; Công ty TNHH Hưng Nguyên (xã Tiền Phong - Đà Bắc) có 180 lồng, thể tích 25.200 m3. Đặc biệt đã có 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận đã ký kết liên doanh với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn VietGap, cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm/năm ra thị trường, 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại thị trường Hà Nội, tương ứng khoảng 500 lồng nuôi. 

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà đã được thực hiện thành công thông qua 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô 300 lồng tại 5 huyện vùng hồ với 70 hộ tham gia. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức 45 lớp dạy nghề nuôi cá lồng cho 1.500 lao động nông thôn trên vùng hồ và hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt nông dân; thực hiện 4 đề tài khoa học ứng dụng công nghệ cao nuôi cá lồng và ương cá giống trong lồng đều đạt kết quả tốt. Việc nuôi thử nghiệm cá tầm trong lồng trên vùng hồ cho tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở những vùng nước lạnh khác. Các loại cá lăng, vược cho kết quả khả quan, là cơ hội bổ sung đối tượng nuôi chủ lực cho vùng hồ thủy điện sông Đà. 

Đặc biệt, nhãn hiệu cá, tôm sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 11/12/2018 là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng tới thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Tập đoàn Marvin hiện đang triển khai dự án nuôi cá diêu hồng và rô phi ứng dụng công nghệ cao với quy mô 100 lồng, loại 2.000 m3/lồng, trên diện tích 100 ha mặt nước với sản lượng ước khoảng 10.000 tấn/năm. Giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn Marvin sẽ xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu và Trung tâm giống chất lượng cao cho khu vực.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác