Hải Dương: Liên kết nuôi cá rô phi theo chuỗi VietGAP là hướng đi tất yếu (24-12-2018)

Những năm qua, thực hiện Đề án chuyển đổi đất trũng, kém hiệu quả sang đào ao nuôi trồng thuỷ sản, Hải Dương đã phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đem lại hiệu quả nhiều mặt.
Hải Dương: Liên kết nuôi cá rô phi theo chuỗi VietGAP là hướng đi tất yếu
Ảnh minh họa

Hiện, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Hải Dương đạt gần 12.000ha, tổng sản lượng khoảng 65.000 tấn. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, đặc biệt là thiếu kiến thức về các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến (VietGAP); chưa có sự gắn kết, hợp tác giữa người nuôi với nhau, giữa người nuôi với nhà quản lý, nhà khoa học, nhà cung ứng các yếu tố đầu vào, nhà chế biến và các nhà phân phối sản phẩm; vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 108 trang trại có nuôi trồng thủy sản, 25 hợp tác xã thủy sản và hơn 79,2 nghìn cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhiều diện tích đang hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, mạnh dạn đầu tư, nhất là diện tích giống cá chủ lực và giống đặc sản cho năng suất, giá trị cao như rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép lai V1…Toàn tỉnh đang duy trì 3.400 ha nuôi tập trung quy mô mỗi khu từ 10 ha trở lên, trong đó có hơn hai nghìn ha nuôi thâm canh cho năng suất bình quân từ 12 đến 15 tấn/ha/năm. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, nhiều huyện đã triển khai mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa ở những vùng đất trũng cấy lúa không hiệu quả. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 314 ha triển khai theo mô hình này, điển hình như các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện.
Năm 2018, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương với tổng quy mô 60ha. Trong các mô hình đã triển khai không có hộ nào nuôi cá bị dịch bệnh, điều này cho thấy mô hình đã hạn chế được dịch bệnh giúp người dân hạn chế những thiệt hại.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương triển khai mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”; 03 hộ thuộc 2 xã Lạc Long và Hiệp Hòa (huyện Kinh Môn) tham gia với tổng diện tích 3ha/90.000 con giống, thả với mật độ 3 con/m2.
Hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, chế phẩm sinh học; được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc; hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, cho ăn, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá và giám sát, lấy mẫu phân tích. Ngoài ra, còn được Trung tâm đứng ra liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ chủ động phòng chống bệnh, triển khai đồng loạt, quy mô nên cá ít bị dịch bệnh. Qua gần 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 1 kg/con, tỷ lệ sống trên 80%, năng suất trên 18 tấn/ha. 
Anh Nguyễn Văn Quang phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP, gia đình được cán bộ khuyến nông tư vấn chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Tôi không nuôi nhiều loại cá như trước và thả cá với mật độ phù hợp, vì vậy, vừa đỡ tốn thức ăn mà cá lại sinh trưởng, phát triển nhanh. Hiện cá đạt trọng lượng 0,9 - 1.0 kg/con; dự tính đến cuối tháng 12 cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1,2 - 1,3 kg/con, giá bán 33.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn.
Từ kết quả một số mô hình cho thấy triển vọng rất khả quan, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với yêu cầu của dự án như tỷ lệ sống, năng suất cá. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm gần 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15-20 ngày, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn, người nuôi thu lợi nhuận lớn hơn.
Theo Quyết định Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và PTNT với mục tiêu phát triển nuôi cá rô phi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; sản xuất đủ con giống chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm, kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Quy hoạch phát triển sản xuất cá rô phi theo 7 vùng sinh thái bao gồm: Vùng Trung du miền núi phía Bắc; Vùng Đồng bằng Bắc bộ; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng Nam Trung bộ; các tỉnh Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ và Vùng Tây Nam bộ.
Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu diện tích nuôi cá rô phi tại các vùng trên cả nước đạt 33.000 ha và 1,5 triệu m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn. Sản lượng cá rô phi đạt 300.000 tấn, trong đó 50% - 60% sản lượng đủ tiêu chuẩn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Sản xuất được 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm.
Định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi cá rô phi đạt 40.000 ha và 1,8 triệu m3 lồng nuôi trên hệ thống sông và hồ chứa lớn. Sản lượng cá rô phi đạt 400.000 tấn, trong đó 45%-50% sản lượng cá rô phi phục vụ xuất khẩu. 100% diện tích vùng nuôi cá rô phi tập trung được áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) hoặc các tiêu chuẩn tiên tiến khác của các nước nhập khẩu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác