Mạnh tay với tôm bơm tạp chất ở Bạc Liêu (24-12-2018)

Bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu là hành vi nghiêm cấm vì có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm tôm cung ứng ra thị trường. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã rất quyết liệt, nhằm ngăn chặn và loại bỏ vấn nạn này.
Mạnh tay với tôm bơm tạp chất ở Bạc Liêu
Ảnh minh họa

Trước tình hình bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai thực hiện Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn. Vừa qua, tại Hội nghị Sơ kết Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc cho thấy, sau thời gian thực hiện quyết liệt, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đã giảm đáng kể. Trước khi thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh có 361 cơ sở nghi vấn hoạt động liên quan đến tôm chứa tạp chất, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 156 cơ sở nghi vấn có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đang hoạt động. Các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng đã kiểm tra phát hiện 120 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất, với số lượng trên 21 tấn. Đã xử lý hành chính với số tiền trên 05 tỷ đồng, đồng thời công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có 20 vụ tôm từ ngoài tỉnh nhập vào.

Mặc dù, công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu được thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức; ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp trong chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm còn hạn chế; hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó lường, thường xuyên thay đổi địa điểm; công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách cho công tác đấu tranh phòng, chống tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm còn mỏng, trong khi địa bàn rộng, nhiều cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa. Ý thức của một số cán bộ cơ sở và người dân về tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm cũng như việc tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật có liên quan đến tôm chứa tạp chất còn hạn chế.

Một số ý kiến cho rằng, để công tác phòng, chống tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đạt hiệu quả nhiều hơn nữa, cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, của Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các Công ty, nhà máy và nhân dân nói không với tôm có tạp chất; quản lý chặt các đầu mối thu mua tôm trên địa bàn; chú trọng các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và các địa bàn giáp ranh; công khai và cho làm cam kết đối với các cơ sở vi phạm... Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng cần đưa nội dung kiểm tra quản lý lĩnh vực tôm có tạp chất vào nội dung kế hoạch kiểm soát định kỳ, thường xuyên.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng trong thời gian qua, đa số các địa phương thực hiện rất nghiêm túc Đề án, tuy nhiên vẫn còn một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm chủ yếu là vì lợi nhuận, đồng thời tôm có chứa tạp chất chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc và đi theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan có liên quan và báo, đài của địa phương phải vào cuộc bằng nhiều hình thức tuyên truyền ngăn chặn hành vi bơm chích tạp chất; tiếp tục lập danh sách, quản lý đối tượng có biểu hiện vi phạm; nơi nào để xảy ra nhiều vụ vi phạm thì phải đánh giá lại trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo địa phương; xử phạt đối tượng vi phạm đủ mạnh để không tái phạm. UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ kiến nghị Trung ương để có cơ chế phối hợp hay giao việc kiểm tra các doanh nghiệp lớn cho tỉnh để tỉnh dễ dàng thực hiện công tác kiểm soát, kiểm tra tôm nguyên liệu.

Nhận thấy, việc xây dựng thương hiệu tôm Việt là phải nâng cao chất lượng con tôm. Song, việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây mất niềm tin, uy tín của ngành xuất khẩu tôm, làm giảm chất lượng con tôm. Bên cạnh việc các ngành chức năng tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm ngăn chặn tình trạng trên, thì ý thức tuân thủ các quy định của người dân về việc nghiêm cấm bơm tạp chất vào sản phẩm tôm là vô cùng quan trọng.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác