Đắk Nông: Áp dụng nuôi thâm canh cá diêu hồng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học (22-12-2018)

Với địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen giữa thung lũng sâu cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố dày đặc trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh Đắk Nông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trước tình hình thời tiết và môi trường ngày càng có nhiều biến động bất lợi, Đắk Nông đã áp dụng nuôi thâm canh cá diêu hồng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, nhằm tránh được các loại dịch bệnh có thể xảy ra.
Đắk Nông: Áp dụng nuôi thâm canh cá diêu hồng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học
Ảnh minh họa

Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện để tiến hành chọn, hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao hồ trước khi thả cá giống. Đồng thời, tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học cho các hộ làm mô hình và các nông dân có nhu cầu. Nhằm nâng cao kiến thức cho các hộ nuôi về kỹ thuật nuôi thâm canh cá diêu hồng để tránh thiệt hại về dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Cũng từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học, quy mô 01 ha, có 13 hộ tham gia thực hiện mô hình, được triển khai ở 5/8 huyện, thị xã (Đăk Rlấp, Tuy Đức,TX. Gia Nghĩa, Cư Jút, Krông Nô). Các hộ thực hiện được hỗ trợ 100% vật tư và con giống, riêng ở thị xã Gia nghĩa được hỗ trợ 100% về con giống và 50% vật tư. Với mật độ thả nuôi 3 con/m2, sau 6 tháng, trọng lượng cá đạt trung bình 0,59 kg/con, tỷ lệ sống 80,6%, năng suất đạt được 14,1 tấn /ha. Với giá bán 36.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được là 224.500.000 đồng/ha.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Đắc Nông đã triển khai Hội thảo đầu bờ mô hình nuôi thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học tại một số hộ nuôi. Cũng nhờ áp dụng mô hình nuôi này và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn nên cá diêu hồng của các hộ nuôi đều lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, mô hình đạt kết quả rất tốt. Trước kết quả này, trong thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai tiếp mô hình này và sẽ nhân rộng cho các hộ có nhu cầu tại địa bàn. Bà Trần Thị Huế, Khuyến nông viên xã Đắk Drô cho biết, trong quá trình triển khai, các hộ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nuôi, đặc biệt khi sử dụng chế phẩm sinh học EM vào xử lý môi trường nuôi giúp cá không bị bệnh, ổn định độ pH nước, cá tăng trọng đều, tỷ lệ hao hụt thấp, do dó mô hình rất thành công.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi nhằm tránh được các nguy cơ tiền ẩn về các loại dịch bệnh có thể xảy ra, giảm chi phí cho vụ nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, ngăn ngừa được dư lượng kháng sinh tồn tại trên sản phẩm thủy sản, tạo ra sản phẩm sạch.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác