Những chuyển biến tích cực trong xử lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm (24-12-2018)

Trong những năm gần đây, tình trạng bơm tạp chất vào tôm là một trong những vấn đề nhức nhối đối với ngành tôm. Cùng với đó, việc sử dụng hóa chất, thuốc thú y và kháng sinh cấm không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tồn dư các hóa chất trong sản phẩm Thủy sản ngày càng nhiều. Các bệnh do thực phẩm “bẩn” gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mãn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau.
Những chuyển biến tích cực trong xử lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm
Ảnh minh họa

Để xử lý nghiêm và chấm dứt tình trạng bơm tạp chất vào tôm, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để đến cuối năm 2018, phải chấm dứt triệt để tình trạng này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quán triệt tinh thần đó để phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT như Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp Cảnh sát môi trường (Bộ Công an); Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, liên tục truy quét, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm bơm tạp chất vào tôm.

Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng được xem là 4 tỉnh trọng điểm trong thực hiện ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đầu năm 2017, 4 tỉnh này đã triển khai thực hiện đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

Tại tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất, cơ bản có giảm về số vụ vi phạm và giảm về quy mô, tính chất vụ việc vi phạm (chia nhỏ số lượng tôm để bơm chích tạp chất, lượng tạp chất đưa vào trong con tôm cũng ít hơn). Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và vận chuyển, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2017, ngành chức năng đã tổ chức hơn 100 lượt thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển tôm nguyên liệu trong địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện 64 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất với số lượng 11.927 kg (tạp chất chủ yếu là Agar và CMC).

Trong đó, tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu 24 trường hợp, thu gom tôm nguyên liệu có chứa tạp chất 23 trường hợp, vận chuyển tôm nguyên liệu có chứa tạp chất 17 trường hợp. Các ngành chức năng đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 2,9 tỷ đồng.

Riêng đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 55 lượt thanh, kiểm tra và phát hiện 41 trường hợp vi phạm, với tổng số lượng là 6.738 kg (trong đó 16 trường hợp tổ chức bơm chích, 4 trường hợp thu gom và 21 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất); đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính 41 trường hợp với tổng số tiền là hơn 1,720 tỷ đồng.

Để việc ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất và kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất có hiệu quả, các ngành chức năng liên quan cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và các thủ tục hành chính về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP), Trung tâm quản lý chất lượng vùng V và Tổ kiểm tra, chống bơm chích tạp chất (Bộ NN&PTNT) thực hiện thanh, kiểm tra đối với các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (đây được xem là điểm đến cuối cùng của tôm nguyên liệu có chứa tạp chất).

Tại tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2017 đến tháng 7/2018, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã tổ chức kiểm tra, xử lý 22 vụ tổ chức bơm chích, thu gom, bảo quản và vận chuyển tôm có chứa tạp chất, với số lượng tang vật trên 4.000 kg; số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 300 triệu đồng. 

So với năm 2015 và năm 2016, tình hình vi phạm về bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm cả về số vụ vi phạm, tang vật bị xử lý lẫn số tiền xử phạt vi phạm hành chính. Số vụ vi phạm giảm 9 vụ, tang vật giảm 1.577 kg và số tiền phạt giảm 276 triệu đồng.

Tại Hà Nội, sáng ngày 2/8, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang chủ cơ sở kinh doanh Lê Quang Long (nằm ngoài chợ đầu mối phía Nam, đường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) có 2 người đang bơm tạp chất arga (thạch rau câu) còn nóng vào 8 kg tôm nguyên liệu, hiện trường còn khoảng 10 kg. 

Trước đó, ngày 23/6/2018 tại Thanh Hóa, Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất 3 cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã phát hiện 2 cơ sở có bán tôm bơm tạp chất độc hại đối với người tiêu dùng.

Tại cơ sở kinh doanh hải sản biển Tình Luyến có địa chỉ khu phố Nam Hải, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện tôm của cơ sở này mập, căng bất thường, các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt số 3 và đầu tôm to bất thường. Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra (test) nhanh đối với mẫu tôm và phát hiện test đã chuyển từ màu vàng sang tím đen (dấu hiệu của tôm bơm tạp chất). Khi bóc đầu tôm cũng phát hiện có chất đặc sánh màu xanh đen. Trước thực trạng trên, Đoàn thanh tra liên ngành đã niêm phong toàn bộ 40 kg tôm của cơ sở này để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ. 

Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng bơm tạp chất vào tôm, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Theo đó, những hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thủy sản sẽ bị xử phạt với mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với quy định mức xử phạt cũ. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi bảo quản, vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch. Đối với hành vi thu gom, sơ chế các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch mức phạt cao nhất lên tới 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng.

Đối với hành vi khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng. Đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người dùng làm thực phẩm sẽ bị xử phạt mức cao nhất là 100 triệu đồng, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong một số trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm có thể áp dụng xử lý bổ sung bằng các hình thức như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 04 tháng đến 06 tháng. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc tịch thu tang vật.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác