Diễn đàn ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cá tra chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (22-11-2018)

Sáng nay ngày 21/11/2018, tại An Giang, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn khoa học và công nghệ “ Nuôi cá tra chất lượng cao ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”.
Diễn đàn ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cá tra chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long

Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Tổng  cục Thủy sản, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực phía Nam cùng các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu Hải sản; Trường đại học Cần Thơ và một số doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Ông Trần Đình Luân và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Bà Võ Thị Kim Vân đã đồng chủ trì diễn đàn.

Cá tra là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của ngành Thủy sản Việt Nam, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cá tra trong những năm qua đã phục hồi và tăng rất ấn tượng. Ngành cá tra ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong tỷ trọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.230 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng cá tra trong năm 2017 đạt 1.250 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD tăng 4,3% so với năm 2016 đóng góp 21,45% vào tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành Thủy sản. Giá cá tra nguyên liệu trong năm 2017 và từ đầu năm 2018 đến nay luôn duy trì ở mức cao, dao động từ 21.500 - 30.000 đồng/kg. Với giá cá tra nguyên liệu luôn duy trì ở mức giá cao, người dân đã mở rộng diện tích kéo theo nhu cầu về cá tra giống tăng cao dẫn đến giá tra giống cũng tăng theo. Tổng cục Thủy sản đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm 2018, đạt mục tiêu 10 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2017. Trong đó, đặt ra mục tiêu cho ngành các tra phấn đấu đạt sản lượng 1,3 triệu tấn, sản xuất giống cá tra đạt khoảng 2,2 tỷ con giống và đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,0- 2,2 tỷ USD.

Xuất khẩu cá tra tháng 10/2018 tiếp tục tăng mạnh đạt 255 triệu USD tăng 54%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2018 lên 1,8 tỷ USD tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nguồn cung thiếu là những yếu tố khiến giá trung bình xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm nay. Bên cạnh đó, những tín hiệu lạc quan từ thị trường khi kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra thấp hơn nhiều với POR13, ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng đã khẳng định hệ thống quản lý chất lượng cá da trơn Việt Nam đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Hoa Kỳ và đề xuất công nhận tương đồng với Hoa Kỳ là tín hiệu rất tích cực sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu cá tra trong những tháng tiếp theo. Mặt khác, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU đối với sản phẩm cá tra tiếp tục tăng. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong năm 2018 một số Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam là thành viên đã được thông qua điều này đã tạo ra nhiều cơ hội chuyển dịch thương mại cũng như lợi thế của mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.

Mặc dù đón nhận những tín hiệu rất tích cực, tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, từ chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; quản lý quy hoạch phát triển chưa chặt chẽ; rào cản thương mại từ các thị trường ngày càng khắt khe, truyền thông các nước thường xuyên tìm cách bôi nhọ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam; chích sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

Để giải quyết khó khăn vượt qua những thách thức và đưa ngành cá tra phát triển một cách bền vững, tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ đưa ra các giải pháp để hoàn thiện các chính sách, các giải pháp quản lý, các diễn giả đến từ các Viện, trường nghiên cứu đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu Khoa học công nghệ mới trong nuồi trồng, sản xuất và chế biến trong lĩnh vực cá tra; các quy trình sản xuất có hiệu quả trong nuôi cá tra chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp người nuôi có được các quy trình nuôi hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã được giới thiệu nhằm nâng cao chất lượng cũng như góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh doanh. Các đại biểu cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng con giống cũng như nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm là vấn đề cấp bách hiện này đối với ngành cá tra.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, bà Võ Thị Kim Vân cho rằng, Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang” là một khâu đột phá nhằm tạo ra con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho người nuôi tại khu vực ĐBSCL. Qua đó, tạo ra các sản phẩm cá tra chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Trần Đình Luân cho rằng, hiện nay tình hình thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo chiều hướng có lợi cho việc xuất khẩu cá tra. Các rào cản từ thị trường Hoa Kỳ đã được tháo gỡ, nhu cầu từ các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.. có xu hướng tăng. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm tại các thị trường xuất khẩu thường nhu cầu cho các sản phẩm thực phẩm tăng cao để phục vụ các dịp lễ Noel, Tết Dương lịch,...Để hoàn thành tốt mục tiêu và kế hoạch trong năm 2018, các địa phương cần tập trung các giải pháp ổn định sản xuất, tập trung quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm cá tra theo quy định, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, vật tư đầu vào. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao, đồng thời thực hiện tốt Đề án giống cá tra 3 cấp đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cá tra tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác