Bằng chứng ô nhiễm nhựa được tìm thấy ở cá nước ngọt lưu vực sông Amazon (19-11-2018)

Một nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên về ô nhiễm nhựa trong cá nước ngọt ở Amazon, điều này làm nổi bật tình trạng túi, chai và rác thải khác đổ vào các sông đang ảnh hưởng đến động vật hoang dã của thế giới.
Bằng chứng ô nhiễm nhựa được tìm thấy ở cá nước ngọt lưu vực sông Amazon
Ảnh minh họa

Là một phần của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các xét nghiệm về thành phần các chất có trong dạ dày của cá ở sông Xingu của Brazil, một trong những nhánh chính của Amazon và chỉ ra các hạt nhựa có trong hơn 80% các loài được kiểm tra, bao gồm loài cá ăn tạp Pacu, loài cá ăn cỏ, và loài cá bụng đỏ ăn thịt.

Việc phân tích thành phần các chất có trong dạ dày của cá đã xác định được nhiều loại polyme riêng biệt được sử dụng để sản xuất các mặt hàng nhựa, bao gồm cả túi, chai và ngư cụ.

Tommaso Giarrizzo, người nghiên cứu sinh thái thủy sinh tại Đại học Liên bang Pará ở Brazil cho biết: “Đó là một bất ngờ đáng buồn vì trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, mục tiêu chính là hiểu được sinh thái của cá, nhưng khi chúng tôi bắt đầu phân tích thành phần các chất có trong dạ dày cá, chúng tôi đã tìm thấy nhựa”.

Trong các phân tích của họ, các nhà khoa học đã mô tả cách mà 13 loài đã tiêu thụ nhựa, bất kể chúng là cá ăn cỏ ăn các loài thực vật trên sông, cá ăn thịt sống chủ yếu ăn các loài cá khác, hoặc cá ăn tạp.

Cá ăn cỏ có thể nhầm lẫn các miếng nhựa là hạt, trái cây và lá, trong khi những con cá ăn tạp có khả năng ăn nhựa bị kẹt trong những cây có lông, được gọi là đại thực bào, tạo nên phần lớn thức ăn của chúng. Trong khi đó, cá ăn thịt như loài piranha có khả năng tiêu thụ nhựa khi chúng ăn con mồi bị nhiễm nhựa.

Tất cả có 96 miếng nhựa được phát hiện trong dạ dày của 46 con cá. Các thử nghiệm cho thấy hơn một phần tư là polyethylene, một vật liệu được sử dụng trong ngư cụ thường bị loại bỏ ở các con sông và đại dương. Các chất khác đã được xác định là PVC, polyamide, polypropylene, rayon và các polyme khác được sử dụng để làm túi, chai, bao bì thực phẩm và nhiều hơn nữa.

Sông là nguồn tạo ra đến một phần năm chất thải nhựa được tìm thấy trong các đại dương. Phần lớn nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là do quản lý chất thải kém hoặc do rác thải bị cố ý đổ vào các vùng nước.

Hơn 90% các mảnh vụn nhựa đổ vào các vùng nước đến từ 10 con sông, 8 con sông ở châu Á và 2 ở châu Phi.

Giarrizzo cho biết cần nghiên cứu thêm để hiểu nguồn gốc của nhựa ở các con sông ở Amazon và để đánh giá tác động của nó đối với sức khỏe con người.

Ông nói: Một mối lo ngại là các hóa chất độc hại có thể liên kết với các chất nhựa được tìm thấy trong cá, và do đó ăn chúng có thể dẫn đến sự tích tụ các hóa chất nguy hiểm trong cơ thể.

Nhà khoa học này kết luận: “Mặc dù tác động của việc tiêu thụ vi hạt nhựa của con người phần lớn là không rõ, nhưng kết quả của chúng tôi chỉ ra mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng vì Amazon có mức tiêu thụ cá tính theo đầu người cao nhất trên thế giới”.

HNN (Theo fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác