Tận dụng triệt để các phụ phẩm từ thủy sản (29-10-2018)

Một dự án mới đang tiến hành với hy vọng sẽ chuyển những phụ phẩm dư thừa từ cá thành các nguyên liệu chức năng, có chất lượng cao bằng cách sử dụng các phương pháp chế biến có hiệu quả và bền vững.
Tận dụng triệt để các phụ phẩm từ thủy sản
Ảnh minh họa

Tất cả chúng ta đều biết rằng ăn cá tươi là tốt. Tuy nhiên, chỉ ăn các miếng phi lê mà bỏ qua các phụ phẩm như đầu cá, da cá, và xương cá (xương sống) thì chúng ta đã bỏ phí nhiều dưỡng chất quí giá có ích cho sức khỏe của mình.

 “Hiện nay, chúng ta không tận dụng được hết các lợi ích từ các loài cá mà chúng ta ăn”, Katerina Kousoulaki, điều phối viên dự án đến từ Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Khai thác và Nuôi trồng thủy sản Na Uy (NOFIMA) cho biết.

 “Trong khi chúng ta thường ăn nguyên con đối với các loài cá nhỏ như cá mòi hay cá cơm thì thật khó khi mang lên bàn ăn những phụ phẩm từ các loài cá lớn hơn như cá vược, cá tuyết hay cá hồi”.

Dự án AQUABIOPRO-FIT được Liên minh Châu Âu tài trợ nhằm mang vào chuỗi thức ăn các protein và các chất có hoạt tính sinh học được chế biến từ các phụ phẩm của ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản thông qua các chất bổ sung dinh dưỡng.

Bằng việc sử dụng các công nghệ chế biến thủy sản bền vững, các nhà khoa học sẽ tập trung nhiều vào các thành phần dinh dưỡng, trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng của các sản phẩm chính, đồng thời giảm thiểu các chất thải. Điều này sẽ đem đến việc sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn sinh khối và phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đến tay người tiêu dùng với những ảnh hưởng về môi trường thấp.

Chưa tận dụng triệt để

Hiện nay có khoảng một nửa sinh khối cá bị bỏ đi, mặc dù chúng rất giàu protein và các chất có hoạt tính sinh học. Trong 05 triệu tấn phụ phẩm từ ngành khai thác thủy sản, chỉ một vài tấn được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn cho thú cưng, các thực phẩm bổ sung. Phần còn lại bị bỏ đi. Do đó, nguồn nguyên liệu tiềm năng này chưa được tận dụng triệt để.

Dự án AQUABIOPRO-FIT sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm dư thừa này và biến chúng thành những nguyên liệu chức năng, có chất lượng cao nhờ sử dụng các phương pháp chế biến bền vững và hiệu quả.

          “Chúng tôi sẽ phát triển các quy trình chế biến để chiết tách và làm ổn định các nguyên liệu này để chúng có thể được thêm vào thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm ăn được. Dĩ nhiên, các tính năng và hiệu quả của chúng sẽ được đánh giá thông qua các mô hình cận lâm sàng tiên tiến và các thử nghiệm lâm sàng”.

Đầu cá, xương cá, da cá và ruột là nguồn protein và peptide có giá trị, cũng như collagen, gelatin, chất béo và khoáng. Con hải tiêu (sea-squirt) có nhiều cellulose and protein. Bên cạnh chất lượng, các nguyên liệu này cũng có nhiều chức năng chữa bệnh hấp dẫn có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng suy nhược cơ thể và viêm nhiễm.

Kinh tế tuần hoàn

Việc chiết xuất sẽ được nghiên cứu, trong đó có cả ly trích protein, các acid béo đa nối đôi (PUFAs), các vitamin, các khoáng và các hợp chất có hoạt tính sinh học khác. Vì đang ở dạng tự nhiên nên chúng có giá trị sinh học nhiều hơn và do đó tốt hơn so với các chất bổ sung được tổng hợp.

“Dự án AQUABIOPRO-FIT đem đến khả năng một nền kinh tế tuần hoàn”, Katerina Kousoulaki cho biết thêm. “Dự án này tập hợp các quốc gia có nghề cá lớn nhất ở Châu Âu, xây dựng một cầu nối giữa các công dân Châu Âu với các nhà sản xuất sinh khối có giá trị tiềm năng từ các phụ phẩm biển, thông qua các phương pháp mới, các nghiên cứu can thiệp và đào tạo.”

Kết quả của dự án sẽ được sử dụng để thúc đẩy các lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghiệp thực phẩm - từ nuôi trồng thủy sản đến các nhà chế biến thực phẩm và các nhà máy sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh sau cùng. Mục tiêu tổng quát là phát triển các quy trình chế biến mới và các sản phẩm mới dựa trên các phụ phẩm từ biển, tạo ra một ảnh hưởng thực chất và bền vững.

Anh Chi (Theo Sciencenordic)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác