Quảng Ninh: Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá về quản lý An toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (17-10-2018)

Nhằm đánh giá, xếp hạng các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Quảng Ninh: Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá về quản lý An toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản
Ảnh minh họa

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 133 chợ có kinh doanh thực phẩm và 24.922 điểm kinh doanh thực phẩm. Các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP cũng thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, đồng thời chủ động lấy mẫu, kiểm nghiệm thực phẩm và dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm không đảm bảo ATTP.

Thực hiện chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP), năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã tuyên truyền vận động được 192 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia sản xuất với 245 sản phẩm an toàn, tăng 108 sản phẩm thực phẩm OCOP so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 16 cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi với 4 loại nông sản, thực phẩm gồm: rau, thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng và chả mực, sau khi đáp ứng đầy đủ quy định về quy trình sản xuất, kinh doanh và được các cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát. 

Để công tác kiểm tra về ATTP có hiệu quả, kịp thời phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư kiện toàn, củng cố kiểm nghiệm tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, duy trì đạt chuẩn, phát triển tốt 165 chỉ tiêu kiểm nghiệm ATTP. Trong năm 2017, đã thực hiện kiểm nghiệm được 3525 mẫu thực phẩm, phục vụ quản lý của cách ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân gửi đến, giúp cho cơ quan quản lý thực hiện xử lý thực phẩm không đảm bảo yêu cầu ATTP được kịp thời. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng phải gửi mẫu về các phòng kiểm nghiệm trung ương và rút ngắn được thời gian chờ đợi kết quả để có biện pháp xử lý thực phẩm.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã đặt 18 bộ test kiểm nghiệm nhanh thực phẩm miễn phí tại 8 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái, Tiên Yên để người dân tự kiểm nghiệm nhanh ATTP. Các địa phương cũng đã quan tâm trang bị tổng số 100 bộ test xét nghiệm nhanh về ATTP để phục vụ các đoàn kiểm tra và giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại địa phương.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình không thực hiện đầy đủ các quy định về ATTP. Một số hộ nông dân còn có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, đất đai, sức khỏe con người. Việc kiểm soát cung cấp thực phẩm theo chuỗi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn thực phẩm truyền thống không bao gói, thực phẩm chuyển từ tỉnh ngoài vào tiêu thụ tại Quảng Ninh.

Nhằm đánh giá, xếp hạng các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng công tác quản lý trong lĩnh vực này kèm theo Quyết định số 4027/QĐ-UBND ngày 11/10/2018.

Theo đó, Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các địa phương có 16 tiêu chí với tổng số 100 điểm, mỗi một tiêu chí có một số điểm nhất định, gồm các lĩnh vực sau: Chỉ đạo, điều hành công tác quản lý ATTP; tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường năng lực công tác quản lý ATTP; xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phối hợp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mức xếp hạng được tính theo điểm của các địa phương. Trong đó, nhóm hạng triển khai tốt phải có tổng từ 80 điểm trở lên; nhóm hạng triển khai đạt yêu cầu có tổng từ 60-80 điểm; nhóm hạng triển khai chưa đạt yêu cầu có tổng dưới 60 điểm.

Hằng năm, căn cứ vào Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng, các địa phương tự tổ chức đánh giá, chấm điểm và gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 5/12, sau đó Sở Nông nghiệp &PTNT sẽ thành lập Hội đồng cấp tỉnh để thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả xếp hạng các địa phương, chậm nhất ngày 30/1 năm tiếp theo.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác