Đưa Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái (16-10-2018)

Vừa qua, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An tổ chức Hội thảo Bảo tồn và Phát triển bền vững Cù Lao Chàm.
Đưa Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái

Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ngành, địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động du lịch và người dân trên đảo. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Ông Lê Trí Thanh đã dự và chủ trì Hội thảo.

Là Khu bảo tồn biển thứ 2 tại Việt Nam, Cù Lao Chàm hội tụ các hệ sinh thái biển điển hình của vùng biển nhiệt đới. Nổi bật và giá trị nhất về mặt tài nguyên, sinh thái, môi trường là các hệ sinh thái cỏ biển, vùng triều, bờ đá và đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô với sự đa dạng về thành phần, số lượng loài. Trong 292 loài san hô hiện có theo nghiên cứu của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thì tập trung nhiều nhất là các tập đoàn san hô cứng tạo rạn với nhiều hình dạng rất khác nhau; xen kẽ là các tập đoàn san hô mềm với các hình dạng của các loài nấm, loài hoa mềm mại. Đây là hệ sinh thái vai trò rất quan trọng, tạo ra môi trường sống và sự phong phú về nguồn lợi hải sản.

Ngoài ra, Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của nước ta còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, khoảng 60 - 70%. Rừng Cù Lao Chàm được đánh giá là nơi đang lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm, là nơi đảm bảo nguồn sinh thủy cung cấp nước cho cư dân trên đảo.

Trong những năm qua, kể từ khi thành lập Khu bảo tồn biển (năm 2003) và được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm rất được xem trọng thông qua sự đồng hành, góp sức của 4 lực lượng: nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.  Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý và thể chế; xác lập cơ chế đồng quản lý và quản lý tài nguyên, môi trường dựa vào cộng đồng mà nổi bật là mô hình đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như tuần tra, giám sát nhằm bảo vệ và sử dụng đúng mức tài nguyên thiên nhiên, môi trường được chú trọng, thực hiện thường xuyên đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng. Nếu như cách đây 15 năm, sinh kế của người dân Cù Lao Chàm phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác thủy sản và tài nguyên rừng thì đến nay đã có sự thay đổi đáng kể, người dân đã giảm đánh bắt mà vẫn có thể tăng thu nhập thông qua những hỗ trợ sinh kế thay thế, trong đó phải kể đến du lịch.

Thách thức đặt ra trong quá trình phát triển

Trong quá trình phát triển, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang đứng trước những thách thức cần có những giải pháp để phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thành phần kinh tế.

Thứ nhất, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động trực tiếp đến chất lượng các hệ sinh thái biển và rừng, tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm.

Thứ hai, trong những năm qua Cù Lao Chàm là ngư trường tập trung nhiều phương tiện hoạt động khai thác thủy sản, chủ yếu các nghề: giã cào, lưới rê, lưới vây, pha xúc,… đến từ các huyện ven biển tỉnh Quảng Nam (Thăng Bình, Núi Thành) và các tỉnh lân cận. Trong đó, nghề “lặn đêm” có tác động lớn đến nguồn lợi tự nhiên và gây bức xúc trong cộng đồng địa phương từ nhiều năm nay.

Thứ ba, việc ô nhiễm từ đất liền cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hệ sinh thái và môi trường tại đảo: trầm tích, ngọt hóa và các chất thải từ các dòng sông.

Thứ tư, việc phát triển mạnh mẽ của du lịch cũng gây nên những tác động tiêu cực. Mặc dù đã có định hướng phát triển theo hướng bền vững, tuy nhiên tốc độ phát triển du lịch nhanh và tổ chức quản lý không theo kịp quá trình phát triển nên đã làm chệch hướng du lịch Cù Lao Chàm.

Thứ năm, để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các công trình xây dựng được đầu tư. Tuy nhiên, việc này đã làm gia tăng hiện tượng sạt lở, giảm diện tích rừng đặc dụng, chia cắt sinh cảnh của một số loài đặc biệt là Cua đá và ảnh hưởng nghiêm trọng đến rạn san hô, ô nhiễm nguồn nước.

Thứ sáu, hiện nay hệ thống xử lý nước thải nước thải trên đảo chưa được đầu tư xử lý đúng tiêu chuẩn.

Thứ bảy, kéo theo sự phát triển của du lịch, tình trạng lừa đảo, đeo bám, ép khách, chặt chém, mất cắp, ăn xin, không bảo đảm an ninh,…

Định hướng và giải pháp phát triển

Khu bảo tồn biển được xem là công cụ hữu hiệu trong việc giảm thiểu sự suy giảm nguồn lợi do tác động của hoạt động khai thác, đồng thời giúp phục hồi sức khỏe các hệ sinh thái biển và cải thiện sinh kế cộng đồng địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và nhiều nghiên cứu gần đây còn chỉ ra vai trò của bảo tồn biển đối với việc thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả một khu bảo tồn biển, cần rất nhiều yếu tố, trong đó giải pháp tài chính bền vững là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thực tiễn quản lý tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho thấy để duy trì nguồn tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển, cần phải hiểu được các giá trị dịch vụ sinh thái mà khu bảo tồn biển đó mang lại, hiểu được nhu cầu sử dụng các giá trị dịch vụ và nguyên tắc tối quan trọng là người sử dụng dịch vụ phải trả tiền. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý nguồn tài chính thu được từ sự gia tăng giá trị lợi ích sinh thái đó phải được tái đầu tư cho sức khỏe hệ sinh thái của khu bảo tồn.

Với định hướng đến năm 2020, đưa quần đảo Cù Lao Chàm trở thành trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch sinh thái bền vững và những giá trị nổi bật về các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và các chiến lược quảng bá, Cù Lao Chàm đã thu hút được một lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2009, lượng khách đến với Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20.000 lượt thì đến tháng 10/2018, con số này đã tăng đến khoảng 400.000 lượt. Đúng như quan điểm xem du lịch là “con gà đẻ trứng vàng”, kinh tế xã đảo Tân Hiệp từng bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Từ một địa phương dựa vào kinh tế nông nghiệp là chính đã chuyển mình trở thành một địa phương du lịch phát triển năng động. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của du lịch là sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh: đường quốc phòng, các khu nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu của du khách và phục vụ nhu cầu dân sinh,…

Để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, cần nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch du lịch trên đảo. Về lâu dài cần có những chế định cụ thể, gắn với cam kết cộng đồng trong quản lý khai thác du lịch để bảo tồn và phát triển bền vững. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại đây được tập trung mạnh mẽ với sự đồng hành, góp sức của 4 lực lượng: nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời chú trọng việc xây dựng khung pháp lý và thể chế; xác lập cơ chế đồng quản lý, truyền thông nâng cao nhận thức sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường,...Cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mở rộng phân vùng, đặc biệt là vùng bảo vệ nghiêm ngặt với những giải pháp trước mắt và lâu dài hướng tới bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, các nguồn lợi hải sản cũng như môi trường tại nơi đây.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác