Càng có nhiều nguyên liệu thực vật trong thức ăn nuôi thủy sản thì càng thiếu hụt các acid béo omega-3 (16-10-2018)

Có nhiều nguyên liệu nguồn gốc thực vật trong thức ăn sẽ dẫn đến thiếu hụt acid béo omega-3 có nguồn gốc từ biển và tăng lượng acid béo omega-6 ở cá hồi nuôi.
Càng có nhiều nguyên liệu thực vật trong thức ăn nuôi thủy sản thì càng thiếu hụt các acid béo omega-3
Ảnh minh họa

Các loại nguyên liệu truyền thống được sử dụng làm thức ăn cho cá hồi nuôi đã đảm bảo cung cấp cho cá đủ nhu cầu các acid béo omega-3 (DHA và EPA) có nguồn gốc từ biển. Nguồn cung chủ yếu của các loại acid béo trên là dầu cá, và trong một chừng mực nào đó là bột cá. Ngoài các nguồn trên, hiện chưa có loại nguyên liệu nào có thể đáp ứng yêu cầu về số lượng cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản và nguồn cung dầu cá tăng hạn chế đã dẫn đến kết quả là không thể duy trì hàm lượng DHA và EPA có trong thức ăn nuôi thủy sản cao như trước đây được nữa. Vì các acid béo cần thiết cho các chức năng sinh học nên tất nhiên là nếu như có một sự thay đổi về thành phần các acid béo trong thức ăn thì sẽ dẫn đến những kết quả bất lợi cho cá.

Chính vì thế, cần thiết phải xác định nhu cầu thật sự của cá hồi đối với các loại acid béo này là bao nhiêu, sức khỏe và tăng trưởng của cá bị ảnh hưởng như thế nào nếu hàm lượng các acid béo này trong thức ăn bị giảm.

Nhu cầu EPA và DHA

Trong nhiều năm, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Hải sản Quốc gia Na Uy (NIFES) đã nghiên cứu về tầm quan trọng của EPA và DHA đối với sức khỏe của cá, từ đó nhiều khám phá đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong năm 2016. Các kiến thức thu thập được trong lĩnh vực này cũng đã được NIFES tổng kết khi hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Khai thác và Nuôi trồng thủy sản Na Uy (NOFIMA).

Các kết quả nghiên cứu cho thấy cá hồi cần một lượng DHA và EPA khi chúng sống ở biển, và nhu cầu về các acid béo omega-3 này không thể được đáp ứng từ các loại nguyên liệu thực vật. Dễ dàng thấy rằng hàm lượng các acid béo EPA và DHA đã giúp nâng cao tỷ lệ sống của cá, trong điều kiện môi trường thuận lợi, không có yếu tố gây stress và nhiễm bệnh. Nhưng các acid béo này lại bị thiếu hụt khi cá được nuôi lồng hở ở ngoài biển với các điều kiện môi trường biến động và đầy trở ngại.

Nhiều omega-6 hơn

Khi chất béo có nguồn gốc từ biển trong thức ăn cho cá bị giảm, chúng phải được thay thế bằng các loại chất béo khác. Lúc này quan trọng là tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế và những ảnh hưởng có thể có của chúng đến sức khỏe của cá. Ví dụ, lượng omega-6 biến động rất lớn giữa các loại dầu thực vật khác nhau. Tuy vậy, tất cả các loại dầu thực vật sử dụng được đều có hàm lượng các acid béo omega-6 nhiều hơn đáng kể khi so sánh với dầu cá. Do đó, khó tránh khỏi sự thay đổi về hàm lượng omega-6 có trong thức ăn cho cá.

Các kết quả của NIFES cho thấy lượng omega-6 trong thức ăn không ảnh hưởng đến lượng DHA trong fillet của cá. Tuy nhiên, các kết quả cũng cho thấy omega-6 trong thức ăn có thể ảnh hưởng đến lượng EPA và DHA mà cá cần, bởi vì các acid béo omega-6 “chiếm chỗ” các DHA, đặc biệt là EPA trong màng tế bào ở các mô quan trọng như gan, tim và hồng cầu.

Các kết quả mới có được từ một thử nghiệm với SAV3, là loại virus gây bệnh trên tuyến tụy (Pancreas disease - PD) trên cá hồi lớn đã cho thấy loại dầu thực vật có trong thức ăn và sự cân đối giữa các acid béo omega-6 và omega-3 có ảnh hưởng đến tình trạng viêm, đáp ứng miễn dịch và sự hình thành mô mới sau khi bị nhiễm virus.

Quan trọng hơn, một dự án bắt đầu từ năm 2017 và được thực hiện trong 3 năm nhằm nghiên cứu về chất béo và sức khỏe của cá. Trong dự án này, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu sâu về các mức EPA và DHA thấp như thế nào, sự kết hợp ở các mức chất béo khác nhau, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá trong những điều kiện khác nhau (như stress và kháng các bệnh nhiễm trùng ở mang của cá).

 Anh Chi (Theo NIFES)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác