Bạc Liêu: Đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước công nghệ cao ngành tôm (15-10-2018)

Ngày 10/10/2018, Sau 6 tháng xây dựng, Tập đoàn Việt - Úc đã tổ chức Lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước công nghệ cao ngành tôm tại khu sản xuất tôm giống Công ty Việc Úc – Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Bạc Liêu: Đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước công nghệ cao ngành tôm
Ảnh minh họa

Phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm gần đây, ĐBSCL đã thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở từng địa phương, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, phát huy năng lực và hiệu quả của sản xuất công nghiệp, nâng cao đời sống cho người lao động, mở rộng thị trường cho tiêu dùng và xuất khẩu trong quá trình hội nhập quốc tế… công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ở khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của phát triển nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây đã gây áp lực lên sức tải môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp…ngày càng tăng kéo theo sự phát triển của các nhà máy chế biến thủy sản đã thải ra một lượng lớn các chất thải từ các cơ sở nuôi trồng cũng như nhà máy chế biến, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

  Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp…) chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+ , SO42- . Lớp bùn này có chiều dày từ 0,1-0,3m trong tình trạng ngập nước yếm khí tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như H2S, NH3, CH4, Mercaptan…thải ra trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi tác động xấu đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi trồng. Thành phần bùn thải nuôi tôm công nghiệp có chứa khoảng 29,5%, Si 27.842mg/kg, Ca 13.256 mg/kg, K 5.642 mg/kg, Fe 11.210 mg/kg, H2S 8,3mg/kg, N-NH3 36,1mg/kg, N-NO3 0,3mg/kg, N-NO2 0,1mg/kg, PO4 1,8mg/kg, bùn thải đáy ao nuôi cá tra có thành phần pH 4,37-5,39, TOC 1,56-1,89%, tích tụ khoảng 24% nitơ và 24% phốt pho, trong bùn đáy ao nuôi tổng N 0,131-0,186%, tổng P 0,124-0,181%… là nguồn gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng cần phải được xử lý triệt để nhằm phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, nước thải nuôi trồng thủy sản cũng chứa các thành phần độc hại có thể gây ô nhiễm môi trường cần được xử lý. Nước thải nuôi tôm công nghiệp có hàm lượng các chất hữu cơ cao (BOD5 12 - 35mg/l, COD 20 - 50mg/l), các chất dinh dưỡng (photpho, nitơ), chất rắn lơ lửng (12 - 70mg/l), ammoniac (0,5 - 1mg/l), coliforms (2,5.102 -3.104 MNP/100ml). Nước thải nuôi cá trê lai có thành phần BOD5 56mg/l, COD 118mg/l, tổng N 11,50 mg/l, tổng P 5,02 mg/l. Nước thải nuôi cá tra có thành phần BOD5 50mg/l, COD 112mg/l, tổng N 4,81 mg/l, tổng P 2,17 mg/l. Nguồn nước thải nuôi trồng thủy sản trong một vụ nuôi (nuôi tôm thường 2 vụ/năm, nuôi cá 1 vụ/năm) có thể đạt đến 15.000 - 25.000 m3/ha tùy thuộc vào quy trình nuôi các loại thủy sản... có chứa nhiều thành phần độc hại và các nguồn dịch bệnh phải được xử lý triệt để trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Nước thải trong ngành chế biến thủy sản là nguồn nước thải từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất trong các phân xưởng nhà máy chế biến thủy sản với thành phần như sau: BOD5 khoảng 800 - 2.000mg/l, có lúc đạt đến 4.500mg/l. COD khoảng 1.000 - 2.500mg/l, có lúc đạt đến 5.000mg/l, chất rắn lơ lửng (SS) khoảng 300 - 600mg/l, nitơ tổng số (Nt) khoảng 100 - 150mg/l, photpho tổng số (Pt) khoảng 20-50mg/l, đặc biệt vi sinh Coliforms thường lớn hơn 1.105 MPN/100ml, với lưu lượng khoảng 20 - 35 m3/tấn sản phẩm, đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng cần phải được xử lý đáp ứng quy chuẩn môi trường quy định.

Trong những năm qua, các địa phương tại ĐBSCL đã tập trung quy hoạch các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản tập trung, bên cạnh đó thu hút các nhà đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để đầu tư hạ tầng, nhà máy xử lý nước thải vào khu nuôi trồng và chế biến thủy sản tập trung với mục tiêu kiểm soát chất lượng nguồn nước, xử lý chất thải bảo vệ môi trường góp phần đưa lĩnh vực nuôi trồng phát triển bền vững. Đây là mục tiêu sống còn của ngành thủy sản hiện nay, đặc biệt, là đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất tôm giống.

 Bằng việc ứng dụng công nghệ vượt trội từ 3 quốc gia hàng đầu trên thế giới gồm Đức, Anh và Áo, Qua hơn 6 tháng xây dựng, ngày 10/10, Tập đoàn Việt- Úc đã tổ chức Lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước công nghệ cao ngành tôm tại khu sản xuất tôm giống Công ty Việc Úc – Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Đây là nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới theo tiêu chuẩn công nghệ lọc cát kháng khuẩn, ozone lọc khuẩn, UV diệt khuẩn, vận hành tự động…được áp dụng trong các nhà máy chế biến tôm trên thế giới. Với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Theo thiết kết, công suất lọc của nhà máy 250m3/h, đây là nhà máy xử lý nước Việt-Úc lớn nhất cả nước tại Bạc Liêu. Nhà máy xử lý nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sạch hoàn toàn, tạo môi trường sống tốt nhất cho sự phát triển của con tôm giống. Trong những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, chế biến, xuất khẩu, Tập đoàn Việt-Úc đã đồng hành người nuôi tôm trong từng vụ nuôi trong công tác xử lý và bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác