Đổi mới trong quản lý thức ăn và sử dụng nguyên liệu nhằm nâng cao lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản (03-10-2018)

Trong 03 ngày từ 29/9-01/10/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, trường đại học Nha Trang, trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Khu vực về thức ăn thủy sản lần thứ 10 (RAF 10)  tại Hà Nội.
Đổi mới trong quản lý thức ăn và sử dụng nguyên liệu nhằm nâng cao lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản

Chủ đề của RAF10 là “Đổi mới trong quản lý thức ăn và sử dụng nguyên liệu nhằm nâng cao lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản”. Tham dự và chủ trì diễn đàn có TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đại diện lãnh các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), lãnh đạo và cán bộ của các đơn vị đồng chủ trì, và hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế.

RAF được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại Nha Trang trong khuôn khổ Dự án hợp tác do ACIAR hỗ trợ cho lĩnh vực nghiên cứu thức ăn thủy sản. Trải qua 10 năm, RAF đã trở thành một trong những sự kiện thường niên quan trọng trong lĩnh vực dinh dưỡng, thức ăn thủy sản tại khu vực Đông Nam Á. Tại RAF, Việt Nam tự hào là trung tâm thu hút các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và các trường đại họctrong nước và quốc tế, các trang trại thủy sản lớn tập hợp cùng chia sẻ kiến thức, kết nối mạng lưới, tìm kiếm đối tác.  Diễn đàn RAF10 năm 2018 này do Tổng cục Thủy sản đăng cai, đã thể hiện sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất thức ăn thủy sản tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp thức ăn với quy mô sản lượng 4,06 triệu tấn thức ăn hỗn hợp, giá trị khoảng 81.300 tỷ đồng (3,53 tỷ đô la Mỹ) và tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 8,6% là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ RAF10 đã có 26 báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể và tại các tiểu ban theo chủ đề: Phiên toàn thể gồm các báo cáo đề dẫn về các vấn đề chung, thực trạng quản lý thức ăn thủy sản tại Việt Nam; kinh nghiệm quản lý thức ăn của Châu Âu; 4 tiểu ban chuyên môn bao gồm: Nguyên liệu và công thức thức ăn thủy sản; Dinh dưỡng thức ăn cá biển; Dinh dưỡng thức ăn cho giáp xác; Tối ưu hóa dinh dưỡng và thuật cho ăn. Tại Diễn đàn cũng có 5 đơn vị có gian hàng tham gia triển lãm các sản phẩm thức ăn, các giải pháp công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến. Diễn đàn cũng tổ chức tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao ứng phó với biến đổi khí hậu tại Công ty CPĐT Phát triển thủy sản Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đây là một trải nghiệm thú vị về cách làm mới, ứng dụng tự động hóa trong vận hành, sử dụng công nghệ semi-biofloc và hệ thống nhà bạt điều khiển nhiệt độ. Mô hình này đã minh chứng sự sáng tạo của người dân miền Bắc trong nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

RAF10 đã thu hút hơn 150 đại biểu từ 10 quốc gia, với đại diện từ 5 viện nghiên cứu, 8 trường đại học, 57 doanh nghiệp, 5 tổ chức quốc tế, 6 đơn vị là các cơ quan quản lý nhà nước, 2 công ty nuôi thủy sản quy mô lớn và các đơn vị truyên thông tham gia.  Tại Diễn đàn các đại biểu đã tập trung thảo luận để cùng tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề mà ngành nuôi trồng thủy sản phải đối mặt trong phát triển ngành thủy sản nói chung và quản lý thức ăn thủy  sản nói riêng; đồng thời phát triển những ý tưởng sáng tạo giúp ngành công nghiệp thức ăn thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý, sử dụng nguyên liệu thông minh bằng cách tối ưu hóa công thức theo từng giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi. Điểm nhấn trong các báo cáo đã tập trung vào thức ăn nuôi tôm, thức ăn cá tra, thức ăn công nghiệp nuôi cá biển, sử dụng nguyên liệu trong công thức là những lĩnh vực có tiềm năng để cải thiện góp phần nuôi thủy sản đạt hiểu quả kinh tế cao hơn, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững. Diễn đàn lần thứ 10 này không những tập hợp được trí tuệ từ các nhà khoa học nổi tiếng trong, ngoài nước từ các viện, trường mà còn có đông đảo các báo cáo viên là giám đốc kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản trình bày các công nghệ mới, các sản phẩm đã được ứng dụng vào sản xuất nên mang tính thực tiễn cao. Sự tham gia đông đảo của đại biểu đến từ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn đã tạo nên sự khác biệt lớn so với các hội thảo khoa học thông thường, nơi chủ yếu là các nhà khoa học trình bày các kết quả nghiên cứu.

Tại diễn đàn lần này, các báo cáo đề dẫn tại phiên toàn thể cũng đã đề cập đến quy định hiện hành về quản lý thức ăn thủy sản tại Việt Nam và những định hướng trong xây dựng các văn bản hướng dẫn luật thủy sản sửa đổi 2017 liên quan đến công tác quản lý thức ăn thủy sản. Qua đó, Tổng cục Thủy sản hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về thức ăn thủy sản, tập trung vào quản lý hệ thống nhằm kiểm soát tốt chất lượng và các yếu tố dễ gây mất an toàn vệ sinh; ban hành các danh mục các thức ăn, chế phẩm được phép và không được phép và được phép sử dụng trong thức ăn thủy sản. Những văn bản này đang trong quá trình biên soạn, lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp trước khitrình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.  Diễn đàn lần thứ 10 kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp và đã xác định Trường đại Học Nha Trang sẽ  là đơn vị đăng cai RAF vào mùa Thu năm 2019 tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. 

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác