Những kết quả đạt được trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong khai thác thủy sản (06-06-2018)

Ngày nay, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của người tiêu dùng trong và nước ngoài đều rất khắt khe do ý thức về vấn đề bảo vệ sức khỏe ngày càng cao.
Những kết quả đạt được trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong khai thác thủy sản

Để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản, các sản phẩm thủy sản cần phải được kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong nước. Thời gian qua, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã có nhiều hoạt động góp phần đảm bảo ATTP đối với các lô hàng xuất khẩu hải sản, tuy nhiên số lượng các lô hàng bị cảnh báo vẫn ở mức cao…

Một số kết quả đạt được

Hiện nay, số lượng cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản khai thác được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP và được phép xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu kiểm tra, cấp chứng thư của NAFIQAD như: EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh Kinh tế Á –Âu… là 310 cơ sở (trong tổng số 667 cơ sở chế biến, xuất khẩu). Trong năm 2017, NAFIQAD đã tổ chức khoảng 240 lượt kiểm tra đối với các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản khai thác, trong đó: 204 lượt cơ sở hạng 1,2 (chiếm 85%), 32 lượt cơ sở hạng 3 (chiếm 13,33%) và chỉ có 04 lượt cơ sở hạng 4. So với năm 2016, điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản khai thác đã có sự cải thiện do số cơ sở hạng 3, 4 có xu hướng giảm.

Về kết quả kiểm tra, chứng nhận chất lượng, ATTP cho lô hàng thủy sản khai thác, tổng khối lượng các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu vào một số thị trường có yêu cầu kiểm tra, cấp chứng thư của NAFIQAD như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh Kinh tế Á –Âu,… năm 2017 là 132.830,34 tấn (giảm 19,5 % so với năm 2016).

Trong năm 2017, tỷ lệ lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu bị các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng phát hiện không bảo đảm ATTP trong quá trình lấy mẫu thẩm tra ATTP của lô hàng sản xuất và kiểm tra, chứng nhận lô hàng xuất khẩu là 0,08% (giảm nhẹ so với năm 2016 là 0,09%). Các chỉ tiêu vi phạm tương tự năm 2016, chủ yếu bao gồm: hóa học như: kim loại nặng (Cd, Hg), CO, Histamin; vi sinh vật gây bệnh như: Salmonella, Vibrio Cholerae. Ngoài ra, một số lô hàng không đảm bảo các quy định về ghi nhãn, cảm quan, ngoại quan.

Qua văn bản thông báo hoặc từ website của cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu, trong năm 2017 có 50 lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không bảo đảm ATTP (tỷ lệ vi phạm 0,1%, tương đương năm 2016). Các thị trường cảnh báo là EU (35 lô), Nhật Bản (04 lô), Liên minh Kinh tế Á Âu (11 lô). Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu bao gồm: kim loại nặng (Cd, Hg), Histamin; vi sinh vật như: TPC, Coliforms. Ngoài ra, một số lô hàng không đảm bảo quy định như: bao bì rách, nhiệt độ bảo quản, ghi nhãn sai, chiếu xạ không được phép,...

Có thể nói, trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng: thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép có sự gia tăng, đặc biệt là EU tăng gấp 2 lần so với năm 2016 (30/15 lô), tăng gấp 6 lần so với năm 2015 (30/5 lô). Kết quả báo cáo điều tra nguyên nhân của các doanh nghiệp cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do cá thể kích cỡ lớn nhiễm kim loại nặng; biện pháp kiểm soát chủ yếu của các doanh nghiệp là tăng cường lấy mẫu nguyên liệu nhập về nhà máy để kiểm kim loại nặng; kiểm soát kích cỡ cá khi tiếp nhận vào nhà máy.

Tổng vụ Sức khỏe và ATTP (DG-SANTE), Ủy ban Châu Âu (EC) đã có văn bản yêu cầu Cơ quan thẩm quyền các nước thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU. DG-SANTE đã có văn bản gửi NAFIQAD về một số cơ sở có nhiều lô hàng bị cảnh báo thủy ngân, yêu cầu tổ chức điều tra nguyên nhân và thẩm tra hiệu quả các hành động khắc phục của doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa việc xuất khẩu vào EU các sản phẩm không đảm bảo ATTP.Trước tình hình đó, ngày 06/10/2016, NAFIQAD đã có công văn số 2054/QLCL-CL1 yêu cầu các cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU tăng cường biện pháp kiểm soát mối nguy kim loại nặng thông qua việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập về nhà máy để chế biến; đồng thời tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở bị EU cảnh báo nêu trên, phát hiện một số sai lỗi về điều kiện đảm bảo ATTP, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành Quyết định đình chỉ sản xuất xuất khẩu vào EU các sản phẩm cá cờ kiếm, cá cờ gòn đối với các cơ sở này do kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm Hg trong sản phẩm vượt mức giới hạn cho phép theo quy định của Việt Nam và EU. Các kết quả thực hiện này đã được NAFIQAD báo cáo đầy đủ tới DG-SANTE.

Đối với việc khắc phục khuyến cáo thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DG MARE) về IUU năm 2017, NAFIQAD đã có các văn bản số 801/QLCL-CL1 ngày 16/5/2017, 834/QLCL-CL1 ngày 22/5/2017 gửi các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khắc phục theo khuyến cáo của Đoàn. Theo đó, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải chủ động lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu khai thác để chế biến xuất khẩu vào EU, đối chiếu thông tin về tàu cá cung cấp nguyên liệu với Danh sách tàu IUU công bố trên website của DG-MARE và Danh sách các tàu cá có đăng ký, được cấp phép  khai thác thủy sản được công bố trên website của các Tổ chức nghề cá khu vực (RFMOs) được EU công nhận. Các Trung tâm vùng thuộc NAFIQAD kiểm tra sự phù hợp của các thông tin này trong các giấy chứng nhận khai thác kèm theo các lô nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU. Nội dung này cũng đã được NAFIQAD tham mưu, đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định cụ thể tại Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/01/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT và Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT; Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT, NAFIQAD đã rất tích cực xử lý các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện việc xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu cho lô hàng xuất khẩu vào EU theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT.

Kể từ khi EC cảnh báo Thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam (ngày 23/10/2017) đến nay, thông qua email chính thức của NAFIQAD (nafiqad@mard.gov.vn) hoặc email đầu mối xử lý các vấn đề IUU của Tổng cục Thủy sản , NAFIQAD đã nhận được đề nghị xác minh của Cơ quan thẩm quyền các cửa khẩu Tây Ban Nha (gồm 06 trường hợp: 01 tại Laspamas; 02 tại Bilbao; 01 tại Marín và 01 tại Vigo) có yêu cầu làm rõ/xác nhận thông tin nêu tại các giấy xác nhận cam kết kèm theo lô hàng nhập khẩu (về: quy trình chế biến, truy xuất nguồn gốc, khối lượng TS khai thác được xác nhận, chứng thư kèm theo,…), sau khi rà soát, NAFIQAD đều kịp thời thông báo bằng email cho các cơ quan này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình các lô hàng thủy sản nói chung, thủy sản khai thác nói riêng bị cảnh báo vẫn ở mức cao. Để huy động các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm khắc phục tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng các lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường nhằm giữ vững uy tín của thủy sản Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo, trả về. NAFIQAD sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, nếu trong thời gian tới nếu tình hình phát hiện kim loại nặng tại thị trường EU không có dấu hiệu giảm, để giữ vững thị trường, đồng thời, tránh khả năng cơ quan thẩm quyền EU áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam, NAFIQAD sẽ rà soát, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các cơ sở bị Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo về kim loại nặng (trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quyết định 3228/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/8/2016 về việc áp dụng biện pháp tạm ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU). Bên cạnh đó, trong năm 2018, NAFIQAD đã có kế hoạch tổ chức chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác, tập trung giám sát chỉ tiêu kim loại nặng và hóa chất bảo quản để có đánh giá nguy cơ đầy đủ hơn đối với mối nguy này.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác