Tăng cường thanh tra đột xuất phát hiện xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (16-05-2018)

Các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Cơ quan quản lý tại địa phương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm quản lý vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp một cách hiệu quả, đó là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám tại Hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) và triển khai thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tại 2 khu vực phía Bắc và Phía Nam.
Tăng cường thanh tra đột xuất phát hiện xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị, các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau nhằm quản lý hiệu quả vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp:

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 đã ban hành kèm theo Quyết định số 219/QĐ-BNN-QLCL ngày 23/1/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung rà soát sửa đổi các Thông tư, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), (ATTP) nông lâm thủy sản theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm và tổ chức triển khai thực hiện.

Để kiểm soát tốt chất lượng VTNN và ATTP trong thời gian tới cần tập trung chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm, các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất lại các cở nhỏ lẻ thông qua việc triển khai Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, để các hộ gia đình, các sở sản xuất, chế biến, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hiểu rõ và tham gia vào hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm theo nguyên tắc hài hòa giữa “xây” và “chống”. Tổ chức tốt việc quảng bá và kết nối các sản phẩm đã được chứng nhận, xác nhận đến người tiêu dùng thông qua các Hội chợ, các điểm bán hàng có kiểm soát.

Tổ chức phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tuyên truyền và vận động, giám sát sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đối tượng sản phẩm tươi sống và tập trung vào địa bàn nông thôn. Các địa phương căn cứ hướng dẫn để tổ chức triển khai phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020”.

Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm nông, thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng ngành công an, các tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận Tổ quốc; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) trong hoạt động giám sát, trình sát, tiếp nhận thông tin mất an toàn thực phẩm qua các kênh, đường dây nóng, các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị để kịp thời phát hiện, điều tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh ATTP.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác