An toàn thực phẩm: Cần chuyển biến thực chất, rõ nét (19-04-2018)

Những năm gần đây, thực phẩm bẩn tràn lan trở thành mối lo ngại thường trực. Các trường hợp vi phạm Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đang ngày một phức tạp. Vì lợi nhuận, nhiều cá nhân và doanh nghiệp sẵn sàng dùng chất kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng, tẩm hóa chất - biến thủy sản kém chất lượng thành thực phẩmbắt mắt người tiêu dùng …
An toàn thực phẩm: Cần chuyển biến thực chất, rõ nét
Ảnh minh họa

Nghiêm trị các hành vi sai phạm

Với xu thế hội nhập và lưu thông hàng hóa như hiện nay, Việt Nam cần có sự chuyển biến thực chất trong vấn đề ATTP, không để tồn tại cảnh "người sản xuất đẩy thực phẩm bẩn về phía người tiêu dùng, trong khi bản thân người sản xuất cũng chính là người tiêu dùng mặt hàng thực phẩm khác", vì theo các nghiên cứu khoa học, khi sử dụng thực phẩm bẩn, phản ứng dễ thấy là ngộ độc, tuy nhiên, về lâu dài có thể dẫn tới bệnh tật, thậm chí gây đột biến gen, ung thư.

Thời gian qua, tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, việc tuyên truyền bảo đảm ATTP được triển khai rộng rãi, nhưng chưa đủ sức mạnh để ngăn chặn hành vi sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn. Đã đến lúc phải dùng biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt thật nặng, đình chỉ vĩnh viễn các cơ sở có hành vi vi phạm ATTP gây tổn hại sức khỏe con người; nghiên cứu để tiếp tục ban hành các quy định, điều luật tương xứng; thành lập đường dây nóng, có chế độ thưởng người báo tin; quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các địa phương hoặc các cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra giám sát nhưng để xảy ra các vụ vi phạm ATTP kéo dài, các hành vi bao che, dung túng hoặc tiếp tay cho các vi phạm ATTP.

Tại Việt Nam, Đà Nẵng là địa phương thứ hai được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2018, thời gian thí điểm 3 năm. Với việc thí điểm mô hình này, người dân được nhìn thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo ATTP, hiện thực hóa tiêu chí xây dựng “Thành phố 4 an”, trong đó “an toàn vệ sinh thực phẩm” là 1 trong 4 mục tiêu quan trọng.

Thí điểm thanh tra ATTP tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trước tình hình vệ sinh ATTP không đảm bảo cho người tiêu dùng có dấu hiệu ngày càng gia tăng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành mọi biện pháp để kiểm tra và xử lý những vi phạm này. Cụ thể là: Sẽ tiến hành thí điểm thanh tra ATTP tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc thí điểm thanh tra ATTP đã từng được thực hiện cuối năm 2015 (từ ngày 15/11/2015 đến 15/11/2016)  tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh: Theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg, Việt Nam triển khai thí điểm thanh tra ATTP tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường của hai thành phố (mỗi thành phố tiến hành thanh tra 5 quận, huyện và 10 xã, phường).

Sau một năm thí điểm thanh tra ATTP, tại hai thành phố này đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về ATTP. Để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, cấp phường và có cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh triển khai mở rộng và kéo dài việc thí điểm thì việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai). Trong đó, quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP thuộc huyện, quận, thị xã (cấp huyện) và xã, phường, thị trấn (cấp xã); nội dung thanh tra, hoạt động thanh tra, trách nhiệm quản lý hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP; sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính.

Theo dự thảo, phạm vi thí điểm gồm 100% đơn vị hành chính cấp quận, cấp phường của Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh; đối với 7 tỉnh, thành phố còn lại (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai): không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm một năm (12 tháng) kể từ ngày Quyết định thí điểm có hiệu lực thi hành, dự kiến là ngày 01/01/2019.

Sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Những năm gần đây, nhờ sự tham gia giám sát trực tiếp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), công tác ATTP đã thu được nhiều kết quả tích cực:

Sau hai năm triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam về ATTP, hầu hết các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, có kế hoạch triển khai đến tận cơ sở. Đến nay, đã có 18 tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp về ATTP giữa UBND tỉnh, thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam. Tổng cộng 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia 160 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành và chủ trì tổ chức các đoàn đi giám sát chuyên ngành về ATTP. Công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, chất lượng kiểm tra, giám sát đảm bảo quy trình chặt chẽ. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Để công tác ATTP đảm bảo tới tận xã, phường, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật và ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình, quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các địa phương cũng sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra giám sát ATTP xuống từng khu dân cư, xã, phường; đồng thời nhân rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát các tiêu chí như: Số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATTP; các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP; số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác