Kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 5 năm 2021 tại 27 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (15-06-2021)

Thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2025 phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản với 163 điểm quan trắc trên tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm, cá rô phi và nuôi lồng bè nước ngọt tại 27 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đó đưa ra những khuyến cáo và có những giải pháp quản lý để tránh thiệt hại do thời tiết gây ra cho các đối tượng thủy sản.
Kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 5 năm 2021 tại 27 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước
Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với vùng nuôi tôm nước lợ: Chỉ tiêu quan trắc nhiệt độ, pH, độ mặn, N-NO2, P-PO4 H2S, COD, tảo độc hại, V.parahaemolyticus đều nằm trong giới hạn cho phép để nuôi tôm nước lợ. Tại một số vùng nuôi nuôi như Hải Chính và Quất Lâm (Nam Định), Quỳnh Bảng (Nghệ an), Võ Ninh (Quảng Bình), Hiền Thành (Quảng Trị), Vinh Quang (Bình Định), Nam Cương (Ninh Thuận), Cà Mau, Kênh Trường Sơn và sông Bạc Liêu – Trà Kha (Bến Tre), kênh 700 Tân Nam (Sóc Trăng),… , có số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm DO giảm thấp, N-NO2 (vượt 2 lần),  N-NH4 (từ 1,1-10 lần) coliform (từ 6,7-15 lần), vibrio tổng số…., độ kiềm, TSS (1,2 lần), COD (từ 1,1-2 lần), mật độ vi khuẩn Vibrio spp (từ 1,2 -5,5 lần).

Ngoài ra, một số vùng nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: kênh 9000 (Bạc Liêu), cửa Vinh Kim (Trà Vinh), kênh 700 Tân Nam, bến phà Đại Ân 1, cầu Cà Lăm (sóc Trăng), kênh Mương 7( Bạc Liêu), rạch cầu Ván (Bến Tre), độ mặn có giá trị thấp hơn 5‰.

Hiện nay, chỉ số chất lượng nước (WQI) tại một số điểm quan trắc của Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức tốt và rất tốt cho nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, tại Quất Lâm (Nam Định), Quỳnh Bảng (Nghệ An), Xuân Phổ (Hà Tĩnh), Hiền Thành (Quảng Trị), Đông Điền và Vinh Quang (Bình Định), Phú Yên, Bạc Liêu, Cà Mau, … chất lượng nước trung bình và xấu. Do vậy, trước khi cấp nước vào ao nuôi, cần phải được xử lý theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Đối với vùng nuôi cá tra: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH nằm trong giới hạn cho phép phù hợp cho nuôi cá tra. Tuy nhiên, tại một số vùng nuôi nuôi như: cầu kênh ông Cò, Vịnh Tre, cầu chữ S, Vĩnh Xương, kênh Cái Sao, kênh Tây An, bến đò Thuận Hưng, TT Tràm Chim và Tây An-An Nhơn lại có một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- (từ 2-8 lần), N-NH4+ (từ 2-21 lần), P-PO43- (từ 2-18 lần), Aeromonas tổng số (2-7lần), TSS (1,7 lần). Đặc biệt, thủy vực TT Tràm Chim, các thông số này rất cao (N-NH4+ cao hơn GHCP từ 18-22 lần). Ngoài ra, ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri với 4,1% lượt quan trắc và 52% lượt quan trắc dương tính với Aeromonas hydrophilla.

Chỉ số chất lượng nước WQI hầu hết các điểm quan trắc đều ở mức tốt và rất tốt cho nuôi cá tra (chiếm 95% lượt quan trắc). Song, tại kênh TT Tràm Chim và Tây An- An Nhơn có các thông số chỉ thị ô nhiễm cao nên chỉ đạt ở mức trung bình.

Đối với vùng nuôi nhuyễn thể: Các chỉ tiêu quan trắc nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NO2, N-NH4, H2S, mật độ tảo độc, Vibrio tổng số, coliform nằm trong giới hạn cho phép  phù hợp cho nuôi nhuyễn thể. Nhưng, tại Cồn Thủ, Nẹ (Thái Bình), Bắc Bãi Ngang (Thanh Hoá),… có một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép bao gồm N-NH4 (từ 1,0-1,08 lần), coliform tổng số (từ 3-12 lần), vibrio tổng số (từ 1,1-21 lần) và tại Thái Bình có độ mặn giảm thấp (2‰).

Bên cạnh đó trong quá trình khảo sát, quan trắc vùng nuôi ngao ghi nhận xuất hiện các loài tảo có khả năng gây hại khi nở hoa như Chaetoceros spp., Skeletonema costatum, Euglena spp., Pseudoanabaena sp tại điểm quan trắc Bến Tre và Trà Vinh, tuy nhiên chúng chưa ở mức gây hại cho ngao nuôi. Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các điểm quan trắc ở mức xấu đối với vùng nuôi Cồn Thủ, Nẹ (Thái Bình); còn lại các điểm ở mức tốt và rất tốt cho nuôi ngao.

Đối với vùng nuôi tôm hùm: Các yếu tố môi trường quan trắc về cơ bản phù hợp. Riêng ở Xuân Yên và Xuân Thành (Phú Yên), Vạn Hưng và Trí Nguyên (Khánh Hòa) có hàm lượng N-NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 1,1-1,5 lần, DO thấp cục bộ tại vùng ven bờ và vị trí đặt lồng nuôi ở Xuân Yên, Xuân Thành (Phú Yên) và Vạn Hưng (Khánh Hòa, mật độ vi khuẩn Vibrio spp. vượt giới hạn cho phép từ 1,2-7,4 lần tại các khu nuôi tôm hùm tại Vạn Hưng, Vĩnh Nguyên, Bình Ba (Khánh Hòa) và Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành (Phú Yên).

Bên cạnh đó phát hiện Tảo Peridinium sp. và Prorocentrum sp mật độ từ 250-5000 tế bào/lít xuất hiện ở một số vùng nuôi. Chỉ số chất lượng nước (WQI) các điểm quan trắc tại Phú Yên và Khánh Hòa ở mức trung bình đến rất tốt phù hợp cho nuôi tôm hùm lồng.

Vùng nuôi cá rô phi và nuôi cá lồng bè nước ngọt: Một số tỉnh phía Bắc cho thấy các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, N-NO2, H2S, COD, N-NH4, P-PO4, thực vật phù du và tảo độc có giá trị nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng điểm quan trắc Thung Nhai tại Hoà Bình và Phúc Ninh tại Yên Bái có mật độ coliform tổng số vượt ngưỡng GHCP lần lượt là 7,7 lần và 17,0 lần. Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các chỉ tiêu N-NO2, H2S, COD, N-NH4, P-PO4 đều vượt giới hạn cho phép (N-NOvượt 22 lần so với GHCP…)

Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các điểm quan trắc ở mức tốt và rất tốt cho nuôi cá rô phi và nuôi cá lồng bè nước ngọt. Chỉ số chất lượng WQI ở Thung Nhai, Long Thuận, Hồng Ngư… ở mức trung bình; tại Phúc Ninh, sông Tiền, Bình Thạnh, Cao Lãnh, Thốt Nốt …ở mức xấu.

Về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng: Chưa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trên các mẫu phân tích tại các điểm quan trắc, giám sát.

Trước hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với nuôi trồng thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường quản lý Nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng năm 2021. Cụ thể, triển khai ngay một số nội dung:

Trước hết cần tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường quan trắc cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi; triển khai ngay các khuyến cáo qua các bản tin cảnh báo môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III và đơn vị quan trắc của địa phương. Đồng thời, phổ biến và hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó biến động bất thường của thời tiết. Cần chú ý khẩu phần ăn, chế độ ăn cho phù hợp; thường xuyên quan sát diễn biến của môi trường và thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm và chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi trong phòng chống dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Nếu có phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu dịch bệnh, cần có biện pháp xử lý và báo cáo ngay với cơ quan chức năng theo quy định. Hướng dẫn người nuôi làm tốt công tác cải tạo ao, đầm, chuẩn bị đủ các điều kiện để thả giống thủy sản nuôi, thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật đồng thời chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết phù hợp với thủy sản nuôi. Thả giống chất lượng tốt…

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác