Phú Yên: Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường 2015-2018 (08-03-2019)

Trong các năm 2015-2018, Phú Yên đã thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phú Yên: Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường 2015-2018
Ảnh minh họa

Quan trắc vùng nuôi tôm nước lợ

Trong các năm 2015-2018, Phú Yên đã thiết lập 11 điểm quan trắc chất lượng nước tại 03 huyện thị: (1) Thị xã Sông Cầu (Tuần Nhã - Xuân Lộc, Hòa Hội - Xuân Cảnh); (2) huyện Tuy An (Phú Lương - An Ninh Đông, Cửa An Hải, Tân Long - An Cư, Mỹ Phú - An Hiệp); (3) huyện Đông Hòa (Bãi Ngọn - Hòa Hiệp Nam, Vũng Tàu - Hòa Hiệp Nam, Phước Long - Hòa Tâm, Phước Giang - Hòa Tâm, Cầu Ông Đại - Hòa Xuân Đông). Trong đó, địa điểm lấy mẫu quan trắc là điểm mang tính đại diện của vùng nuôi, có tính đặc trưng, đặc thù địa lý và thuận lợi về giao thông.

Đối với thông số quan trắc, Phú Yên đã tiến hành đo10 chỉ tiêu hóa lý và 02 chỉ tiêu vi sinh, bao gồm: Nhiệt độ, ôxy hòa tan, độ mặn, độ pH, NH3, NO2, PO4-P,  H2S, COD, TSS, Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus với tần suất quan trắc hai lần/tháng. Việc thu mẫu được tiến hành đột xuất vào bất kỳ thời điểm, địa điểm nào của vùng nuôi (mỗi khi cần thiết hay khi nhận được thông tin vùng nuôi có khả năng xảy ra sự cố môi trường, dịch bệnh). Mẫu nước nuôi tôm nước lợ thường được thu ở tầng mặt và tầng đáy. Sau đó, các mẫu nước này được bảo quản và phân tích theo các phương pháp hiện hành.

Kết quả phân tích NH3 từ 2015-2018 cho thấy: Các vùng nuôi tôm nước lợ thuộc huyện Đông Hoà có chỉ số NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP), cụ thể là Phước Long (2017), Phước Giang và Hoà Xuân Đông (2015-2018). Nguyên nhân đã được xác định: Do các vùng nuôi này là vùng nuôi tập trung nên chất thải trong quá trình nuôi nhiều, dẫn đến việc phân hủy các chất hữu cơ mạnh, sản sinh ra NH3 vượt ngưỡng GHCP. Kết quả phân tích NO2 từ 2015-2018 cho thấy: Duy nhất vùng nuôi An Cư (năm 2015) có NO2 vượt ngưỡng GHCP. Trong khi đó, chỉ tiêu PO4 vượt ngưỡng GHCP xảy ra ở nhiều vùng nuôi (trong nhiều năm): An Cư (2015-2016), An Hiệp (2015-2018), Phước Long (2015), Phước Giang (2015-2018) và Hoà Xuân Đông (2015-2016).

Trái lại, hàm lượng DO hầu như đều thấp hơn GHCP, gây thiếu ôxy cục bộ tại các vùng nuôi: Xuân Lộc (2016), An Cư (2017), An Hiệp (2015-2018), Bãi Ngọn (2018), Phước Giang (2017) và Hoà Xuân Đông (2015, 2017, 2018). Nguyên nhân dẫn tới hàm lượng DO tại các vùng nuôi thấp hơn ngưỡng GHCP là do môi trường ô nhiễm, khối lượng chất hữu cơ trong nước tăng do chất thải của hoạt động nuôi trồng thủy sản, thức ăn thừa và các hoạt động khác của người dân ven khu vực. Theo dõi Bảng giá trị trung bình vibrio thấy mật độ vibrio vượt ngưỡng GHCP tại các vùng nuôi: An Hải (2017), An Hiệp (2017), Bãi Ngọn (2017-2018), Phước Long (2017) và Phước Giang (2017).

Nhìn chung, kết quả quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ của Phú Yên cho thấy, môi trường tại các vùng nuôi có xu hướng ô nhiễm tăng dần trong các năm 2015-2018.

Quan trắc vùng nuôi tôm hùm

Phú Yên đã thiết lập 04 điểm quan trắc chất lượng nước tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông bao gồm: Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành. Địa điểm lấy mẫu quan trắc vùng nuôi tôm hùm cũng được tiến hành giống như quan trắc vùng nuôi tôm nước lợ (lựa chọn các điểm có tính đại diện cho vùng nuôi, có tính đặc trưng, đặc thù địa lý và thuận lợi về giao thông).

Về thông số quan trắc môi trường, Phú Yên cũng tiến hành đo10 chỉ tiêu hóa lý và 02 chỉ tiêu vi sinh (như với hoạt động quan trắc vùng nuôi tôm nước lợ). Tần suất 2 lần/tháng (riêng các tháng 4, 5 và 6: quan trắc 4 lần/tháng). Mẫu nước nuôi tôm hùm được lấy ở 3 tầng (mặt, giữa và đáy). Sau đó, các mẫu nước cũng được bảo quản và phân tích theo các phương pháp hiện hành.

Kết quả phân tích từ 2015-2018 cho thấy: Hai vùng nuôi tôm hùm thuộc Xuân Phương và Xuân Yên (tầng giữa, năm 2015) có chỉ số NH3 vượt ngưỡng GHCP. Không vùng nuôi nào có NO2 vượt ngưỡng. Duy nhất Xuân Phương (tầng giữa, 2015) có PO4 chạm ngưỡng 0,2 mg/l. Hàm lượng DO tại hai vùng Xuân Phương (tầng giữa, 2015) và Xuân Yên (tầng giữa, 2017) thấp hơn GHCP. Mặc dù hàm lượng DO trung bình tại các vùng nuôi tôm hùm (năm 2018) nằm trong ngưỡng GHCP, nhưng  tại các đợt phân tích trong năm, hàm lượng DO đang có xu hướng giảm xuống (nhất là mùa nắng nóng). Nguyên nhân hàm lượng DO xuống thấp là do các vùng nuôi này quá dày về mật độ lồng nuôi. Kết quả quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm hùm còn cho thấy mật độ vibrio vượt ngưỡng GHCP tại hai vùng nuôi Xuân Thịnh và Xuân Yên (2017) và đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Nhận định của Phú Yên về công tác quan trắc, cảnh báo môi trường

Sau bốn năm thực hiện triệt để công tác quan trắc, cảnh báo môi trường 2015-2018, Phú Yên nhận định: Nguyên nhân dẫn tới nghề nuôi tôm của tỉnh chưa đạt hiệu quả tối ưu vì các vùng nuôi tôm nước lợ chưa có hệ thống xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; Đồng thời, không thực hiện xử lý nước trước khi thải ra bên ngoài. Tại khu vực nuôi tôm hùm, tình trạng khai thác sò láng (sò lụa) gây đục nguồn nước, làm ảnh hưởng đến mang tôm, cản trở quá trình hô hấp của tôm hùm. Bên cạnh đó, việc xáo trộn thành phần hữu cơ ở tầng đáy cũng gây nên hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại một số điểm nuôi. Để công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thông tin chính xác - kịp thời, Phú Yên cho rằng, toàn ngành cần có phương pháp chung, thống nhất và thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, việc phân tích các thông số môi trường sẽ giúp các địa phương có phương án phòng chống và xử lý dịch bệnh kịp thời.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác