Chất lượng môi trường vùng cấp nước nuôi cá rô phi khu vực phía Bắc (24-12-2018)

Từ năm 2015-2018, Tổng cục Thủy sản phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường thường xuyên giao các Viện nghiên cứu NTTS I, II, III và Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm kiệm và Kiểm định NTTS (3K) phối hợp với một số địa phương triển khai quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại các vùng NTTS tập trung trên các đối tượng nuôi chủ lực (ngao, tôm nước lợ, tôm hùm, cá tra, cá rô phi) tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Chất lượng môi trường vùng cấp nước nuôi cá rô phi khu vực phía Bắc
Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, nhằm đa dạng hóa các đối tượng xuất khẩu ra các thị trường quốc tế, phong trào nuôi cá rô phi xuất khẩu phát triển rất mạnh, nhất là vùng nuôi cá nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa....

Nhằm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu, khơi thông hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản khu vực miền Bắc, phát triển nuôi cá rô phi bền vững, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS, ngày 6/5/2016 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển nuôi cá rô phi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Ở Việt Nam, cá rô phi được nuôi trong lồng, ao, cả trong môi trường nước ngọt và lợ. Cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) chủ yếu được nuôi ở các tỉnh phía Bắc và cá rô phi hồng (Oreochromis sp) được nuôi ở các tỉnh phía Nam.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh khu vực phía Bắc trong những năm qua đã góp phần nâng cao thu nhập của xã hội, cải thiện đời sống của người dân trong vùng, trong đó. Bên cạnh những mặt tích cực nó cũng gây những tác động tiêu cực đến môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng, bệnh dịch đã xuất hiện thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do chất lượng nguồn nước nuôi bị suy thoái làm giảm khả năng tự làm sạch của ao nuôi, cùng với đó lượng chất kháng sinh sử dụng không đúng cách đã giảm khả năng kháng bệnh của đối tượng nuôi khiến chúng dễ bị ảnh hưởng khi có thay đổi của môi trường, nguồn bệnh dễ lây lan và bùng phát trong toàn vùng.

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu, El Nino và La Nina đang diễn biến ngày một phức tạp, thời tiết bất ổn thất thường gây ảnh hưởng đến động vật thủy sản. Ô nhiễm độc hại từ các khu định cư, khu công nghiệp, nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh và hệ quả của chúng sẽ thải ra nhiều chất thải gây nguy hiểm cho nuôi trồng thủy sản và cho cả sức khỏe của con người. Vấn đề đặt ra là phải đánh giá được đặc trưng chất lượng môi trường nước trong các vùng NTTS tập trung và tìm ra được những ảnh hưởng của quá trình NTTS đến môi trường.

Quan trắc môi trường (QTMT) có vai trò đối với hệ thống quản lý môi trường: sản phẩm của quá trình quan trắc là các số liệu và thông tin về môi trường sẽ được các nhà quản lý môi trường kiểm tra, đánh giá, xem xét và trở thành căn cứ để đưa ra các biện pháp quản lý, quy hoạch, kế hoạch quản lý môi trường xũng như ngăn chặn, kiểm soát các vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Phát triển nuôi trồng thủy sản cần gắn với công tác quan trắc môi trường để có những cảnh báo sớm, giúp người nuôi có kế hoạch, chủ động trong công tác quản lý các yếu tố môi trường và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.  Từ năm 2015-2018, Tổng cục Thủy sản phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường thường xuyên giao các Viện nghiên cứu NTTS I, II, III và Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm kiệm và Kiểm định NTTS (3K) phối hợp với một số địa phương triển khai quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại các vùng NTTS tập trung trên các đối tượng nuôi chủ lực (ngao, tôm nước lợ, tôm hùm, cá tra, cá rô phi) tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bản tin kết quả quan trắc được thông báo và khuyến cáo kịp thời đến cơ quan quản lý địa phương và cơ sở nuôi (đối với cơ sở nuôi được giám sát) bằng hình thức email, gọi điện trực tiếp nhằm góp phần hạn chế thấp nhất biến động của môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi (Đối với tôm nước lợ đã phát hành được 201 bản tin , cá tra 70 bản tin, ngao 26 bản tin, tôm hùm 100 bản tin, cá lồng bè 31 bản tin, cá rô phi và tôm càng xanh 22 bản tin).

Đồng thời Tổng cục Thủy sản chủ động phối hợp với các Viện I, II, III và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đột xuất đến các vùng nuôi xảy ra hiện tượng thủy sản chết hàng loạt để nắm tình hình và tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân, hướng dẫn chỉ đạo, hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất.

Diễn biến môi trường nước cấp vùng nuôi

Theo kết quả quan trắc môi trường vùng nước cấp cá rô phi, cá lồng bè khu vực phía Bắc cho thấy, nhiệt độ và pH khu vực nuôi cá lồng dao động từ 24 – 31,5oC và từ 7,4 – 8,3. Trong đó, nhiệt độ đo được vào mùa xuân thấp nhất (24 oC) và nhiệt độ đo vào các tháng mùa hè cao nhất, dao động từ 27 – 31,5 oC, nhiệt độ đo được trong các tháng mùa thu dao động từ 25,5 – 27,7 oC. So với giới hạn cho phép theo QCVN 02-22:2015/BTNMT thì nhiệt độ và pH ghi nhận được ở các điểm quan trắc đều nằm trong khoảng phù hợp cho sự phát triển của cá.

Hàm lượng DO vùng nuôi cá lồng trên sông dao động từ 2 – 6 mg/l, ghi nhận 14,29% số mẫu thấp hơn giới hạn cho phép theo QCVN 02-22:2015/BTNMT. Hàm lượng DO trong nguồn cấp thấp do thời điểm thu nước sông bị ô nhiễm hữu cơ, màu nước đen. DO trong ao nuôi thấp do ao nuôi cũng bị ô nhiễm hữu cơ thể hiện ở hàm lượng COD và Thực vật phù du (TVPD) cao.

Hàm lượng COD dao động từ 5,6 – 39,6 mg/l, trong đó có 82,86% số mẫu vượt GHCP. Tuy nhiên, theo ANZECC (2000), hàm lượng COD trong phù hợp trong NTTS nước ngọt <40 mg/L thì hàm lượng COD trong vùng nuôi cá lồng chưa ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực nuôi cá.

Đối với chỉ tiêu, hàm lượng NH4-N và PO4-P trong vùng nuôi cá lồng trên sông dao động từ 0,00 – 0,10mg/l và 0,00 – 0,30mg/l, ghi nhận được 28,57% số mẫu NH4-N và 14,29% số mẫu PO4-Pvượt giới hạn cho phép theo QCVN02-22-MT:2015/ BTNMT.

Chỉ tiêu giá trị NO2-N dao động từ 0,01 – 0,87 mg/l, ghi nhận 80% số mẫu có NO2-N vượt GHCP theo QCVN08-MT:2015/BTNMT). Tuy nhiên theo Boy (1998) thì chất lượng nước cho NTTS có hàm lượng NO2-N < 0,5 mg/l được xem là tốt và từ 0,5 – 2 mg/l được xem là trung bình thì tất cả các mẫu vùng nuôi cá lồng, cá rô phi đều đạt chất lượng tốt và trung bình.

- Hàm lượng NH3 và H2S trong thời gian quan trắc dao động từ 0,00 – 0,13mg/L và 0,00 – 0,06 mg/l, đều có giá trị trung bình phù hợp với môi trường NTTS (<0,1 mg/L).

Mật độ TVPD trong các ao nuôi cá rô phi rất cao, dao động từ 2,65x107 – 4,4x107 tb/l, trong đó mật độ TVPD thuộc ngành tảo Lam chiếm ưu thế từ 1,4x107 – 3,3x107 tb/l, thể hiện ao nuôi phú dưỡng. Quần thể tảo phát triển mạnh sẽ gây hiện tượng thiếu oxy về đêm và sáng sớm khi tảo chuyển sang hô hấp. Nhiệm vụ đã cảnh báo các cơ sở nuôi quản lý thức ăn phù hợp tránh dư thừa thức ăn là nguồn dinh dưỡng cho quần thể TVPD phát triển.

Đối với các loài tảo độc hại trong các ao nuôi cá rô phi quan trắc đã ghi nhận được 02 loài tảo Microcystis aeruginosaMicrocystis botry. Loài tảo Microcystis aeruginosa ghi nhận vượt giới hạn 1,5x106 tb/l vào các đợt thu tháng 4, 6 và tháng 8, đặc biệt mật độ Microcystis aeruginosa trong tháng 8 vượt đến 17 lần.

Mật độ TVPD trong các ao nuôi cá lồng trên sông thấp, dao động từ 3,4x102– 2,5x104 tb/l, trong đó mật độ TVPD thuộc ngành tảo Lục chiếm ưu thế từ 2,3x102 – 1,4x104 tb/l và tảo Khuê là 1,4x102 – 1,1x104 tb/l. Như vậy, quần thể thực vật phù du không ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi thủy sản.

Đối với các loài tảo độc hại trong các ao nuôi cá lồng trên sông quan trắc đã ghi nhận được 01 loài tảo Microcystis aeruginosa trong mẫu thu vào tháng 8 với mật độ 2,2x103tb/l, thấp hơn giới hạn 1,5x106 tb/l nên cũng không ảnh hưởng

 Mẫu nước vùng nuôi cá lồng và cá rô phi có mật độ Streptococcus sp. thấp hơn 103CFU/ml. Như vậy, vi khuẩn Streptococcus sp trong nước không ảnh hưởng đến cá nuôi.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác