Kết quả quan trắc môi trường nước đợt 24 năm 2018 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang (24-12-2018)

Theo kế hoạch quan trắc môi trường trong năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang đã tiến hành quan trắc môi trường đợt 24/25 vào ngày 04/12/2018 tại 20 điểm đầu nguồn cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của 09 huyện, thành phố trong tỉnh và 03 điểm tại vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương. Kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước ở một số vùng tại tỉnh Kiên Giang như sau:
Kết quả quan trắc môi trường nước đợt 24 năm 2018 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang
Ảnh minh họa

Vùng U Minh Thượng

Nhiệt độ: 25 - 28,0oC, pH: 7,0 - 8,5, độ trong: 15 - 45 cm, độ kiềm: 53,7 - 143,2 mg/l, oxy hòa tan (DO): 3,0 - 5,5 mg/l, ammonia: 0,003 - 0,08 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 3,233 - 4,843 mg/l. Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Độ mặn trên các kênh cấp nước của vùng tăng nhẹ so với đợt quan trắc trước, có 6/10 điểm có độ mặn thấp (từ 0 - 4‰), chỉ có điểm quan trắc ở Vàm Thứ 6 Biển (An Biên), Vàm Xẻo Nhàu (An Minh) có độ mặn đạt 13 - 25‰ thích hợp cho tôm nuôi phát triển; Độ kiềm tiếp tục tăng so với đợt quan trắc trước, chỉ còn 3/10 điểm có độ kiềm thấp (53,7 mg/l), có 4/10 điểm có độ trong thấp (15 cm), không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi nước lợ.

Nitrite dao động từ 0 - 1,0 mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với động vật thủy sản nuôi từ 2 - 20 lần tại 7/10 điểm quan trắc của vùng. Phosphate dao động từ 0,0 - 0,5 mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 2,5 - 5 lần tại 9/10 điểm quan trắc, không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Vùng Tây sông Hậu

Nhiệt độ: 25,0oC, độ trong: 27,3 - 30,0 cm, độ kiềm: 71,6 mg/l, oxy hòa tan: 3,0 - 3,5 mg/l, nitrite: 0,02 - 0,025 mg/l, ammonia: 0 mg/l, tiêu hao oxy sinh học: 3,293 - 3,338 mg/l thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Tuy nhiên, độ mặn vẫn tiếp tục duy trì ở mức 0‰, pH vẫn tồn tại ở mức rất thấp (chỉ 6,5 - 6,6) môi trường có tính axit, phosphate (0,015 - 0,2 mg/l) vượt ngưỡng giới hạn cho phép 1,5 - 2 lần tại 2/3 điểm quan trắc, không thích hợp cho hoạt động nuôi tôm nước lợ.

Vùng Tứ giác Long Xuyên

Nhiệt độ: 28,0 - 29,0oC, pH: 6,5 - 8,0, độ trong: 25 - 45 cm, oxy hòa tan (DO): 3,5 - 5,0 mg/l, amonia: 0 - 0,03 mg/l, phosphate: 0 - 0,25 mg/l, tiêu hao oxy sinh học (BOD5): 3,233 - 4,661 mg/l. Phần lớn các chỉ tiêu lý hóa trên tại các điểm quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nước lợ. Tuy nhiên, hàm lượng nitrite (tại 3/7 điểm quan trắc), phosphate (tại 1/7 điểm quan trắc) vượt ngưỡng giới hạn cho phép và không thích hợp cho đời sống của tôm nuôi nước lợ. Độ mặn (0 - 15‰) không tăng so với đợt quan trắc trước tại các điểm quan trắc nằm ở ven biển, chỉ có điểm quan trắc tại đầm Đông Hồ (Hà Tiên) và cống Tam Bản (Kiên Lương) có độ mặn đạt 7 - 15‰. Độ kiềm (35,8 - 71,6 mg/l) vẫn tiếp tục tồn tại ở mức rất thấp trên tất cả các điểm quan trắc của vùng, dưới ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi phát triển.

Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương

Nhiệt độ: 290C, độ mặn: 18,5‰ tăng nhẹ so với đợt quan quan trắc trước, oxy hòa tan (DO): 8,0 mg/l, hàm lượng NH4+: 0 mg/l, hàm lượng nitrite: 0 mg/l, phosphate: 0 mg/l, phần lớn các chỉ tiêu quan trắc nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển.

Mật độ vi khuẩn Vibrio.sp tại các điểm quan trắc của vùng giảm mạnh so với đợt quan trắc trước, dao động từ 45 - 245 cfu/ml, nằm trong ngưỡng giới hạn và thích hợp cho cá nuôi lồng bè phát triển (< 1.000 cfu/ml) ở cả 03 điểm quan trắc.

Nhìn chung, tại phần lớn các điểm quan trắc vẫn còn tồn tại nhiều bất lợi, cần phải lưu ý, xử lý như: độ mặn thấp (14/23 điểm), pH thấp (4/20 điểm), độ trong thấp (4/20 điểm), độ kiềm thấp (8/20 điểm), DO thấp (2/23 điểm), hàm lượng nitrite cao vượt ngưỡng (10/23 điểm), hàm lượng phosphate cao vượt ngưỡng (12/23 điểm).

Cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo chung

Đối với nuôi tôm nước lợ, hiện nay thời tiết đang là mùa khô, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sinh. Do đó, để thuận lợi cho tôm nuôi nước mặn lợ phát triển các nông hộ nuôi tôm cần lưu ý thực hiện các biện pháp quản lý ao nuôi tổng hợp để tránh tổn thất. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nuôi, tình hình thời tiết thủy văn, quan trắc môi trường, quan trắc mầm bệnh, để có những biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Tùy vùng nuôi, người nuôi cần thực hiện tốt một số khuyến cáo như sau:

Vùng U Minh Thượng và vùng ven sông Cái Lớn thuộc tây sông Hậu đến nay đã kết thúc vụ nuôi tôm nước lợ của năm 2018 do đó người dân nên cải tạo, làm vệ sinh ao nuôi để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm của năm 2019. Còn đối với ao đang nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio cao, định kỳ 15 ngày/lần tiến hành diệt khuẩn, bổ sung các chất bổ trợ gan cho tôm ăn, sử dụng men vi sinh để khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong ao; Hằng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh nếu có sự bất lợi, kiểm tra sàng ăn (nhá) để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh dư thừa. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu cần và khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hoặc biểu hiện bất thường nên báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, các hộ nuôi xung quanh, tuyệt đối không được xả nước, tôm của ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường nếu chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng; Độ kiềm, độ pH và nitrit ở những điểm quan trắc ngoài ngưỡng thích hợp phải được quan tâm xử lý tốt để có giá trị thích hợp là: Độ kiềm  từ 90 - 130 mg/l đối với tôm sú và 100 - 150 mg/l đối với tôm chân trắng; độ pH thích hợp cho tôm nuôi phát triển là 7,5 - 8,5 và biến thiên pH trong ngày không quá 0,5; hàm lượng nitrite phải <0,05 mg/l.

Đối với các hộ nuôi cá lồng bè, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cá nuôi lồng bè, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số biện pháp sau: Các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về vị trí đặt lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi; hướng dẫn người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá, phân công người trực canh bè 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra giải pháp ừng phó thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại.

Cùng đó, hướng dẫn người nuôi tập trung thực hiện tốt quy trình phòng bệnh tổng hợp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn như chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh, không bị sây sất. Thức ăn là cá mồi thì phải tươi, rửa cá bằng nước ngọt 2-3 lần trước khi cho cá ăn để loại bỏ các mầm bệnh. Nên sử dụng thức ăn viên dành cho cá để thuận tiện cho việc bổ sung vitamin, khoáng vi lượng để nâng cao sức đề kháng cho cá. Thường xuyên vệ sinh lưới lồng, vùng nuôi để loại bỏ các chất thải, sinh vật bám, tăng lưu lượng trao đổi nước và giảm mật độ vi khuẩn trong lồng…

Khi phát hiện cá nuôi bị bệnh, chết hay môi trường nước của vùng nuôi có hiện tượng bất thường nên báo ngay cho UBND xã, Trạm chăn nuôi và Thú y địa phương để được hướng dẫn các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại có thể xảy ra.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác